Năm 2014 mặc dù nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên không ít doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Năm 2015, cả cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc và thuận lợi hơn nữa với việc nhiều Hiệp định thương mại được ký kết.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nội dung này.

PV:Thưa ông, nhìn lại năm 2014 ông có thể đánh giá về bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh?

Ông Vũ Tiến Lộc: Năm 2014 vẫn là một năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, khó khăn của doanh nghiệp được tích lũy từ nhiều năm không thể khắc phục được trong ngày một ngày hai nên động thái chung của doanh nghiệp trong năm, nhìn chung vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh.

5157vu_tien_loc14_ydcu.jpgÔng Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: KT)
Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đột phá để có thể tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Trong năm qua số lượng doanh nghiệp đăng ký mới có phần giảm đi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng quy mô của doanh nghiệp đăng ký theo quy mô về vốn đã tăng lên, một số lượng khá lớn các doanh nghiệp sau thời gian ngừng hoạt động do những khó khăn thì nay đã bắt đầu khôi phục hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp đã trụ vững được thì trưởng thành hơn và một bộ phận các doanh nghiệp sau một thời gian khó khăn buộc phải ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động, vì vậy không còn phong trào bùng nổ trong phát triển doanh nghiệp như những năm trước.

Một biểu hiện rất quan trọng là GDP vẫn tiếp tục tăng và tăng với tốc độ tương đối cao trong bối cảnh hiện nay đạt 5,8%. Có nhiều nguyên nhân nhưng minh chứng rõ nhất cho sự phát triển, sự trụ vững của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của năm qua.

PV: Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và giúp doanh nghiệp phát triển, theo ông, Chính phủ và các bộ ngành cần có giải pháp gì để chung sức với doanh nghiệp?

Ông Vũ Tiến Lộc: Thị trường nội địa vẫn là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ có thể giữ được lợi thế trên sân nhà khi sản xuất được các sản phẩm dịch vụ, hàng hóa với chất lượng tương đồng với các nhà cung cấp khác trên thế giới, đảm bảo yêu cầu trách nhiệm xã hội cũng tương đồng. Đây là thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua. Tôi vẫn tin vào sự năng động của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên để làm được điều này cần có sự trợ giúp của Chính phủ về cải cách thể chế, tài chính, cơ sở hạ tầng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…cho chúng ta một niềm tin vào môi trường kinh doanh thuận lợi hơn thực sự đồng hành với doanh nghiệp, thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp.

PV:Năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia ký kết nhiều hiệp định Thương mại tự do với các nước và khu vực, tham gia TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ông đánh giá thế nào về những cơ hội cũng như thách thức mà doanh nghiệp sẽ gặp phải trong năm 2015?

Ông Vũ Tiến Lộc: Các hiệp định này, một mặt sẽ tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới thể chế kinh tế ở Việt Nam, chúng ta sẽ có điều kiện thâm nhập vào thị trường lớn hàng đầu thế giới với thuế quan hầu hết là bằng 0 và với những rào cản được giảm thiểu, đặc biệt chúng ta có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Nga, Belarus, Kazakhstan.

Một số lĩnh vực kinh doanh có lợi ích cốt lõi của chúng ta đặc biệt là dệt may, giày dép là các mặt hàng nông sản có điều kiện thâm nhập vào các thị trường này một cách thuận lợi hơn.

Các điều kiện để hội nhập bên cạnh hàng rào thuế quan đã giảm xuống, nhưng hàng rào kỹ thuật thì rất lớn. Do đó, chúng ta phải đảm bảo được điều kiện trách nhiệm xã hội về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về xuất xứ.

Toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam phải đặt trong chuẩn mực quốc tế, vươn tới tiêu chuẩn quốc tế, nếu không vươn ra được chuẩn mực quốc tế thì chúng ta không thể thâm nhập được vào thị trường của các nước phát triển./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.