Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp báo diễn ra chiều 27/12, trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước.

Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua là hơn 1 triệu người, tăng 2,8% so với năm trước. Trong năm qua, cả nước có 15.419 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Cũng theo báo cáo, trong năm nay, cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể. Và có  9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 3,2% so với năm trước.

doanhnghiep11_fwny.jpgảnh: KT

Số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; 58.322 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước. Trong đó có 11.723 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 46.599 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Giải thích điều này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) nói: “Chuyện thanh lọc doanh nghiệp, tình trạng phá sản doanh nghiệp giải thể nhiều là chuyện không tránh khỏi. Nguyên nhân là do nền kinh tế thế giới suy giảm, trong đó có kinh tế Việt Nam”.

Ông Thúy phân tích thêm: “Đối với Việt Nam, trong năm 2014 dù số doanh nghiệp giải thể, phá sản nhiều nhưng tính chung lại, tức là lấy doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp phá sản giải thể trừ cho nhau, chúng ta vẫn còn 7.019 doanh nghiệp, tức là tăng nhiều hơn giảm. Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang trong tình trạng thanh lọc”.

Ông Thúy đưa ra 4 nguyên nhân chính: Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn đang trong thời kỳ suy giảm, phục hồi chậm, trong khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Kinh tế suy giảm nên khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng lâm vào tình trạng như vậy.

Thứ hai, 97,6% doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu doanh nghiệp có vốn đầu tư và tay nghề thấp, máy móc thiết bị lạc hậu, trình độ quản lý thấp dẫn đến năng suất lao động thấp so với nhiều nước phát triển trong khu vực và thế giới. Chính vì vậy, nó dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu ngay trên sân nhà và trường quốc tế nên dễ bị phá sản. Trong thời gian tới, chúng ta phải đẩy nhanh mọi mặt để tăng trưởng, tăng nhanh sức cạnh tranh mới giữ được thị trường sản xuất.

Thứ ba, các doanh nghiệp do nhỏ bé về quy mô nên các chủ doanh nghiệp đóng cửa để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác dễ dàng. Ở các nước khác, doanh nghiệp của họ lớn nên khó giải thể và không dễ dàng bỏ doanh nghiệp để kinh doanh lĩnh vực khác được. Vì giải thể một doanh nghiệp lớn vô cùng khó khăn trong khi giải thể một doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam thì rất dễ dàng.

Cuối cùng, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế, nhiều bất cập. Nguyên nhân cơ bản đó là năng lực của người lao động quản trị doanh nghiệp, lao động tay nghề của Việt Nam còn rất thấp, khó cạnh tranh./.