Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khởi động năm 2015 bằng chương trình mua trái phiếu trị giá hơn một nghìn tỷ euro, nhằm ngăn chặn đà giảm phát và chấm dứt tình trạng trì trệ của nền kinh tế khu vực, các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đều không mấy lạc quan về tương lai của khu vực.
Theo các chuyên gia, dư luận đang trông chờ vào kết quả của những biện pháp kích thích, nhưng điều đó là không đủ khi các ngân hàng châu Âu bị hạn chế trong khả năng chuyển đổi dòng tiền được bơm thành tăng trưởng kinh tế.
Cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) - Axel Weber cho rằng, nếu các nước không cải cách, những vấn đề khiến châu Âu lao đao trong thời gian qua sẽ quay trở lại. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici cũng nhấn mạnh, chính sách này của ECB mang lại lợi ích cho nền kinh tế Eurozone, nhưng không phải là liều thuốc chữa bách bệnh.
“Tôi nghĩ rằng quyết định này đã được thực hiện vì lợi ích của khu vực đồng euro cũng như toàn thế giới, vì nó liên quan đến những thách thức mà chúng ta đối mặt như lạm phát quá thấp, nguy cơ giảm phát. Eurozone chưa ở trong tình trạng như vậy nhưng sẽ tốt hơn để ngăn chặn điều này xảy ra. Đây là một quyết định quan trọng. Chúng ta cần tăng trưởng nhiều hơn, nhiều việc làm hơn cũng như những nỗ lực của các nước thành viên thông qua các cải cách cấu trúc cần thiết”, ông Moscovici chỉ rõ.
Nhiều chuyên gia kinh tế tham dự diễn đàn Davos cũng bày tỏ lo ngại về tương lai khu vực sau cuộc bầu cử quốc hội Hi Lạp vào ngày 25/1. Sự ủng hộ của cử tri đối với đảng cấp tiến cánh tả Syriza tại Hi Lạp đang gia tăng so với đảng bảo thủ của Thủ tướng Samaras trước cuộc tổng tuyển cử tại Hi Lạp.
Điều này làm các đối tác châu Âu lo ngại khả năng Hi Lạp rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đảng Syriza từng tuyên bố nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 25/1, họ sẽ chấm dứt các chương trình chi tiêu khắc khổ mà chính phủ hiện nay đang theo đuổi theo cam kết với các chủ nợ quốc tế.
Bên cạnh vấn đề kinh tế, nhiều vấn đề nóng trên thế giới như cuộc chiến chống khủng bố, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng được đề cập tại Diễn đàn kinh tế thế giới kết thúc vào ngày hôm nay (24/1)./.