Thời gian qua, mặc dù TP HCM đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn đọng hơn 17.000 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận.

Do vậy, để tháo gỡ những vướng mắc này, ngày 9/11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố tập trung phối hợp với các ngành chức năng phải báo cáo cho UBND từng trường hợp cụ thể đến ngày 30/11 để thành phố giải quyết.

Tính đến tháng 6/2018, TP HCM đã cấp được hơn 1,5 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân, đạt tỷ lệ 95,8% trên tổng số nhà đất. Ðồng thời, thành phố cũng cấp hơn 16.400 giấy chứng nhận cho các tổ chức, đơn vị.

tran_vinh_tuyen_1541751530049439931686_dtst.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến (Ảnh: Phan Anh/Người lao động)
Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn còn hơn 17.300 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận, chủ yếu do không đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Cụ thể như: Các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/1/2008; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý; giấy tờ nguồn gốc quá trình sử dụng đất không rõ ràng, giao đất trái thẩm quyền…

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, TP HCM cho biết: "Trường hợp chưa đủ điều kiện đa số rơi vào đất ổn định không tranh chấp, phù hợp quy hoạch nhưng lại là đất do nhà nước quản lý. Vấn đề này quận 9 cũng đã xin ý kiến để được hướng dẫn. Các trường hợp mua bán giấy tay thực hiện theo nghị định 01 từ thời điểm từ 1/2008 trở về sau thì cũng chưa xây cất và có kiến nghị xin được tháo gỡ".

Hiện nay, do tồn đọng nhiều hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã dẫn đến tình trạng tố cáo, khiếu nại liên quan đến cấp giấy chứng nhận gia tăng. Thời gian qua, TPHCM nhận được  hơn 2.000 đơn thư khiếu nại liên quan đến cấp giấy chứng nhận. Trong số các đơn thư này, ngành tài nguyên và môi trường thành phố chỉ giải quyết được 20%, 80% còn lại chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác.

Hiện, trong số hơn 17.300 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã phân thành 4 nhóm để xử lý. Đồng thời, thành phố đã kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho phép cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp mua bán giấy tay từ ngày 1/1/2008 đến ngày 1/7/2014 (thời điểm Luật Ðất đai năm 2013 có hiệu lực).

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết: "Thực tế đối với quản lý đất đai là nền bản đồ của mình qua các thời kỳ có phương pháp đo đạc xác lập khác nhau. Chính vì vậy đến thời điểm này, khi đối chiếu bên hồ sơ tài liệu đã có việc chồng lấn… và ngành tài nguyên môi trường đã giao cho Phòng chuyên môn hướng dẫn cho các quận, huyện về mặt kỹ thuật, giải pháp chồng các lớp ranh của bản đồ lên để từ đó xác định chính xác, đồng thời giải quyết các hồ sơ của người dân khi bị chồng lấn".

Hiện, trong số hơn 17.300 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã phân thành 4 nhóm để xử lý. (Ảnh: TTXVN)
Tại TP HCM hiện nay, bình quân mỗi tháng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP phải ký cấp giấy chứng nhận cho khoảng 58.000 hồ sơ. Điều này đã tạo một áp lực không nhỏ đối với những người làm công tác này. Trong khi đó, các trường hợp chậm cấp, không cấp, không giải quyết dẫn đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân lại có nhiều nguyên nhân. Dù tất cả những thủ tục, quy định, chỉ đạo của UBND thành phố có đầy đủ, quy định pháp luật giống nhau nhưng vẫn xảy ra chuyện nơi này làm được, nơi kia không làm được.

Từ thực tế trên, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu đến ngày 30/11 tới, các văn phòng cấp giấy chứng nhận nhà đất quận, huyện phối hợp các sở, ngành báo cáo cho UBND thành phố từng trường hợp hiện nay không cấp giấy và nêu lý do pháp lý cụ thể để có hướng giải quyết.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: "Những trường hợp nào sai thuộc về dân thì phải nêu rõ ràng, minh bạch để cho người dân đồng tình; những vấn đề gì người dân phản ánh đúng thì phải xem xét giải quyết. Còn những cái gì người dân sai có thể giải quyết được nhưng không thuộc thẩm quyền của quận, huyện mà thuộc thẩm quyền thành phố thì đề xuất để UBND TP HCM lắng nghe giải quyết. Trường hợp quận, huyện đề xuất rồi nhưng thành phố không giải quyết thì tôi chịu trách nhiệm trước UBND thành phố".

UBND TP cũng chỉ đạo, thời gian tới các sở, ngành cần phải tập trung giải quyết bức xúc của người dân, xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể chứ không đợi cả dự án; xem xét giải quyết cho dân trước rồi giải quyết những sai phạm của chủ đầu tư sau; nếu doanh nghiệp không thiện chí giải quyết thì xem xét chế tài trong quá trình đầu tư dự án mới./.