Trong số các dự án được mua bán sáp nhập, tòa nhà Vincom Center A tại khu trung tâm TPHCM là một trong những thương vụ chuyển nhượng dự án đình đám thời gian vừa qua. Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn này đã được Vingroup chuyển nhượng cho Công ty cổ phần tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) với giá gần 10.000 tỉ đồng.
Trong khi đó tại quận Phú Nhuận, quỹ đầu tư Japan Asia Land cũng đã chuyển nhượng tòa cao ốc văn phòng Center Point trên đường Nguyễn Văn Trỗi cho Công ty Mapletree Vietnam của Singapore. Chi tiết về thương vụ này chưa được công bố.
Được biết khoảng hai năm trước, quỹ đầu tư của Nhật Bản nói trên đã đầu tư khoảng 58 triệu đô la Mỹ để mua lại tòa cao ốc văn phòng có khoảng 38.600 mét vuông diện tích sàn này.
Bình luận về hoạt động mua bán sáp nhập trên thị trường, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Vietnam, cho biết xu hướng đầu tư vào dự án đang có sự thay đổi so với trước đây.
Năm năm trước dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư. Tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam khiến các nhà đầu tư nước ngoài không muốn chậm chân nên đã đầu tư thông qua khâu trung gian là các quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, theo ông Townsend, đang có khuynh hướng đầu tư trực tiếp vào các dự án. Lãnh vực quan tâm nhiều hơn vẫn là cao ốc văn phòng.
Ông Townsend cho biết so với thời gian trước các doanh nghiệp địa ốc đang dần thay đổi cách rao bán dự án, công khai đi tìm đối tác thay vì âm thầm làm như trước đây.
Chẳng hạn như dự án Saigon Link đang mời gọi nhà đầu tư vào lô đất rộng hơn 2.500 mét vuông với hai mặt tiền đường Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM. Hoặc Công ty cổ phần phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) cũng công khai tìm kiếm nhà đầu tư hợp tác phát triển hai dự án án gồm khu phức hợp ven sông Sài Gòn Water Garden và dự án căn hộ PPI Tower tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM.
Ông Chris Brown, Giám đốc điều hành Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực châu Á, Trung Đông và Nga vẫn quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Brown cho biết các nhà đầu tư này tập trung vào các thị trường chính là Hà Nội và TPHCM, và tập trung vào các dự án đang vận hành và những khu đất có vị trí trung tâm.
Theo nghiên cứu thị trường của Công ty StoxPlus, năm 2012 đã ghi nhận 35 thương vụ chuyển nhượng bất động sản với các dự án ở dạng hoàn tất thủ tục pháp lý hoặc đang triển khai dở dang của phân khúc căn hộ, nhà liền kề và biệt thự. Trong đó, chỉ có sáu dự án được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài, 29 dự án được mua bán giữa các nhà đầu tư trong nước với tổng giá trị khoảng 400 triệu USD.
Số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong số 18 lãnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, lãnh vực bất động sản đứng thứ hai với tổng số vốn đầu tư gần 420 triệu USD, chiếm khoảng 4% trong tổng số 9,3 tỉ USD trong sáu tháng qua.