Thực tiễn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vấn đề dân số Trái Đất tăng nhanh và tình trạng đất dân cư ở các đô thị lớn ngày càng thu hẹp… đang đặt ra trước các nhà khoa học, các nhà thiết kế, cũng như các nhà hoạch định chính sách nhiệm vụ tìm giải pháp cho vấn đề ở trong tương lai.

Không gian sống - vấn đề bức bách toàn cầu

Các chuyên gia môi trường dự đoán, do biến đổi khí hậu, mực nước biển sẽ tăng thêm ít nhất 0,9 mét vào năm 2100, khiến hàng trăm thành phố nằm thấp hơn so với mực nước biển như Bangkok, London, Miami… đứng trước rủi ro bị ngập lụt lớn kéo dài. Họ cho rằng, trong bối cảnh đó, mô hình thành phố nổi rất có thể là một giải pháp hiệu quả trong tương lai. 

h1_ewcs.jpg
Mô hình thành phố nổi của kiến trúc sư Vincent Callebaut (Ảnh internet).
Trên thế giới, làng nổi đã có từ lâu. Ở Campuchia, người dân ở hồ nước ngọt Tonle Sap đang sống trong những ngôi nhà nổi. Tại Peru, người dân Uros sống trên các đảo nổi làm bằng các bó sậy trên hồ Titicaca. Bất chấp các quan điểm trái chiều quan ngại về việc quá trình xây dựng thành phố nổi trên biển rất có thể làm tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, ý tưởng về “các thành phố nổi” trong tương lai đang dần “thuyết phục” nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt cao và mật độ dân số đông.

Hà Lan - nước có phần rất lớn lãnh thổ nằm dưới mực nước biển không phải là quốc gia duy nhất đang ấp ủ tham vọng xây dựng những thành phố nổi. Polynesia là một vùng lãnh thổ ở ngoài khơi của nước Pháp, gồm có 118 hòn đảo nằm ở phía nam Thái Bình Dương, đang có nguy cơ bị nước biển dâng nhấn chìm. Chính quyền Polynesia có ý định xây dựng một cụm đảo nổi có thể cư ngụ được.

Việc thực hiện các đề tài nghiên cứu trong những phòng thí nghiệm giữa đại dương bao la từ lâu vẫn luôn là ước mơ của các nhà hải dương học. Kiến trúc sư người Pháp Jacques Rougerie đang lên kế hoạch về một thành phố khoa học nổi trên mặt biển mang tên "Thành phố Mériens", được dự tính sẽ bao phủ 450.000 m2 mặt biển, và sẽ là nơi mà hơn 7.000 nhà khoa học cũng như sinh viên trên khắp toàn thế giới thực hiện các chương trình nghiên cứu dài ngày trên biển.

Thành phố này cũng sẽ có đầy đủ các phòng thí nghiệm, lớp học, giảng đường, các khu nghỉ dưỡng và thể thao để đáp ứng mọi nhu cầu cho cư dân của mình. Kiểu dáng cá đuối Manta được lựa chọn cho thiết kế của thành phố nhờ khả năng chống chọi tốt với giông bão cũng như những điều kiện thời tiết khắc nghiệt của đại dương. Ngoài ra, để đảm bảo toàn thành phố có thể đứng ổn định, phần móng sẽ nằm ở độ sâu 120 mét dưới mặt nước biển, chỉ để lại "bề nổi" cao 60 mét.

Nhà nổi ở Lelystad, Hà Lan (Ảnh: internet).
Tại quốc đảo Kiribati, 2 dự án xây dựng thành phố nổi đang trong quá trình bàn thảo. Dự án thứ nhất bao gồm 3 đảo nhỏ được phủ thảm thực vật, nông nghiệp và một khu dân cư lớn, do công ty xây dựng Shimizu Corp của Nhật Bản đề xuất. Dự án thứ hai là xây dựng một đảo nổi mang tên Lilypad do kiến trúc sư người Bỉ Vincent Callebaut thiết kế, với chi phí ước tính lên tới 1,5 tỉ euro. Hòn đảo nhân tạo này sẽ có hình dáng giống bông hoa súng, bao gồm một tổ hợp các chung cư có sân vườn, có thể chứa đến 30.000 người.

Trong khi đó, một tập đoàn viễn thông của Trung Quốc cũng đã đặt hàng của văn phòng thiết kế ATDesign (Anh) thiết kế một khu phố sinh thái diện tích 10 km2, được xây trên những hộp bê tông nổi.

Mô hình thành phố tương lai của Hà Lan

Ý tưởng về thành phố nổi ở Amsterdam xuất phát từ tình trạng thiếu đất nghiêm trọng vào đầu thập niên 1990. Trong bối cảnh quỹ đất của thành phố đã dần cạn kiệt và dân số đô thị bùng nổ, chính quyền thành phố đã cho phép thực hiện dự án xây dựng quận đô thị mới trên các hòn đảo nhân tạo làm nơi sinh sống cho khoảng 45.000 người.

Năm 2001, dự án thành phố nổi đầy tham vọng lấy ý tưởng từ các nhà thuyền nhiều tầng cổ xưa ở Amsterdam được thông qua. Cuối năm 2009, dự án Waterbuurt ở IJburg nằm trên đảo Jetty (Đông Amsterdam) hoàn thành, với tổ hợp gồm 75 ngôi nhà nhiều tầng nổi trên mặt nước, được làm bằng gỗ, nhôm và kính, trông giống như một khu dân cư ven sông.

Nhà nổi ở Utrecht, Hà Lan (Ảnh: Internet).
Các ngôi nhà có chiều rộng không quá 6,5 mét, được neo bằng các cọc thép để không bị trôi đi cũng như không va vào nhau. Sau đó không lâu, Waterbuurt trở nên đông đúc, không kém gì những khu phố sầm uất ở trung tâm Amsterdam. Lấy cảm hứng từ Waterbuurt, các thành phố khác ở Hà Lan cũng đã lên kế hoạch phát triển những dự án tương tự.

Hôm 11/7 vừa qua, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã công bố 1 mô hình mà rất có thể trong vòng vài thập kỷ tới sẽ là một hòn đảo nổi lớn, được sử dụng như một giải pháp sáng tạo để có nhà ở, cảng biển, trang trại hoặc công viên. Tại lễ công bố, các nhà đầu tư tiềm năng được làm quen với mô hình thành phố nổi có kích thước là (6 x 8) mét, được làm bằng gỗ và polystyrene và đặt vào một bể nước lớn để mô phỏng điều kiện tự nhiên như gió mạnh, sóng lớn và bão tố.

Theo Olaf Waals - người quản lý dự án, một hòn đảo lớn nổi cung cấp không gian sống và làm việc trong tương lai trên biển nhằm phát triển, tạo ra, lưu trữ, và duy trì năng lượng bền vững (gió ngoài khơi, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng và các tấm pin mặt trời nổi); bốc xếp và vận chuyển hàng hoá tại các vùng duyên hải có ít cơ sở hạ tầng; nuôi trồng các loại thực phẩm, như cá và rong biển; xây nhà và khu giải trí gần nước.

Những loại giải pháp này là một phần của tương lai xanh, trong đó biển và đại dương được sử dụng bền vững. Qua kiểm tra ảnh hưởng của dòng chảy và gió đã phát hiện thấy một số yếu tố mới, nhưng các yếu tố cơ bản vẫn rất ổn định. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể mong đợi một kết quả tương tự khi xây dựng modul để sản xuất hàng loạt cung cấp cho thị trường.

Giám đốc MARIN cho biết, các cuộc thảo luận về dự án xây dựng các thành phố nổi đang được tiến hành với nhà chức trách khu vực Haarlemmermeer và sân bay Lelystad, gần Thủ đô Amsterdam (Hà Lan).

Nhà nổi ở Utrecht, Hà Lan (Ảnh: Internet).
Dự án "Không gian trên biển" hiện đã có giai đoạn mở đầu suôn sẻ. Tuy nhiên, ngoài kinh phí vẫn đang còn nhiều thách thức về công nghệ phía trước: phát triển các cấu trúc mega nổi kiên cố và đủ an toàn để chịu được gió và dòng chảy; kết nối các hệ thống này với nhau và cố định với đáy biển.

Tốc độ di chuyển của hòn đảo và ảnh hưởng của vấn đề này đến những người sống và làm việc trên hòn đảo; tổ chức giao thông và vận tải; tác động của một cộng đồng nổi trên mặt nước đến môi trường xung quanh; hệ thống tái sinh nước, năng lượng, nguyên liệu, chất thải… để biến ý tưởng thành hiện thực.

Trong bối cảnh Hà Lan đang phải chịu sức ép tìm kiếm thêm không gian sống, quốc gia này sẽ phải quay về giải pháp tận dụng nước. Với công nghệ phát triển như hiện nay, rất nhiều phương án đang được nghiên cứu và sẽ sớm được đưa vào ứng dụng thực tiễn. Giám đốc MARIN Buchner khẳng định, Hà Lan vẫn luôn đi tiên phong trong lĩnh vực này./.