Theo khảo sát mới đây của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, không phép trên đất nông nghiệp vẫn đang diễn biến phức tạp, tăng cả về số lượng và ngày càng công khai.
Qua thống kê, trong 192 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa thì có tới 130 trường hợp đầu tư không phép. Để xảy ra tình trạng trên là do công tác phát hiện và xử lý của các địa phương còn lỏng lẻo.
vov_dat_2__gqyj.jpg
Một khu đất nuôi trồng thủy sản tại TP Vũng Tàu bị cưỡng chế khi có dấu hiệu phân lô.
Cụ thể, tại thị xã Phú Mỹ, toàn bộ 113 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa trên địa bàn thị xã đều không phép. Tức là, người dân tự ý làm đường giao thông trên đất nông nghiệp, tự ý tách thửa và chuyển nhượng mà không xin ý kiến của chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp chính quyền địa phương phát hiện chủ đầu tư có biểu hiện đầu tư phân lô, tách thửa để bán đất nền nhưng không xử lý ngay từ đầu mà để hoàn thiện công trình mới đến xử lý, điển hình như trường hợp của Công ty Alibaba. 
Lý giải về việc chậm trễ xử lý vi phạm về đất đai, ông Ngụy Như Sơn, Chủ tịch UBND phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ cho biết: “Địa phương sẽ kiên quyết tăng cường trách nhiệm của mình trong quản lý, phát hiện và hướng dẫn xử lý ngay từ đầu, không để tình trạng này tái phạm một thời gian dài như vừa qua.
Sau khi phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và cho họ thời gian tự khắc phục, nếu chủ đất không thực hiện thì chúng tôi kiên quyết cưỡng chế”.
Còn tại TP Vũng Tàu, tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp cũng diễn biến phức tạp, nhiều chủ đất sau khi bị chính quyền tuýt còi đã ủy quyền cho một cá nhân khác để thực hiện canh tác nông nghiệp. Như tại khu đất rộng 14.000 m2 nằm giáp với cầu Cửa Lấp, thuộc địa bàn phường 12, TP Vũng Tàu, trên đường ven biển Võ Văn Kiệt hướng từ TP Vũng Tàu đi huyện Long Điền, chủ đất đã san gạt hạ tầng làm đường, khi bị phát hiện thì chuyển qua trồng rau và các loại cây trồng khác. Việc này đã khiến chính quyền phường lúng túng trong xử lý.
Sau khi bị tuýt còi việc phân lô chủ đất cho san gạt hạ tầng trồng rau xanh.
Ông Lê Bá Tú, chủ lô đất này cho biết: “Bây giờ tôi đã xin UBND phường xây dựng nhà lưới để trồng rau, vì đất nông nghiệp nên chỉ trồng rau chứ không làm gì khác. Nguyên tắc về phần đường tôi không làm bê tông, cốt thép tôi cũng không làm thay đổi hiện trạng ban đầu”.
Theo ông Trần Văn Phức, Chủ tịch UBND phường 12, TP Vũng Tàu, để trống đất nông nghiệp là lãng phí tài nguyên đất đai, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân tại địa phương là có thật. Nhưng muốn sản xuất nông nghiệp hay hình thành khu dân cư đều phải phù hợp quy hoạch.
“Về phía UBND phường chúng tôi ủng hộ việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, do vậy đề nghị các cơ quan của tỉnh kịp thời hướng dẫn và có hướng giải quyết để tránh lãng phí về tài nguyên đất đai cho đến khi chúng ta có quy hoạch sử dụng đất. Còn đối với việc xây dựng, phân lô trái phép thì chúng tôi kiên quyết kiểm tra, xử lý”, ông Phức kiến nghị.
Theo ông Phạm Thành Chung, Chánh văn phòng HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dẫn đến thực trạng trên là do công tác quản lý của UBND các xã, phường chưa chặt chẽ và kịp thời, chậm thực hiện việc lập biên bản, cưỡng chế khi phát hiện trường hợp phân lô, bán nền đất xảy ra.
Ở cấp tỉnh, Sở Tài nguyên- Môi trường, Sở Xây dựng cũng chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh một số điểm trong quản lý, giải quyết việc phân lô, tách thửa cho phù hợp với tình hình thực tế.
Lô đất 38.600 m2 tại huyện Long Điền đã hoàn thiện hạ tầng nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo quy định, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường TP Bà Rịa hướng dẫn: “Đối với TP Bà Rịa những thửa đất mà có hình thành lối đi chung thứ nhất là phải phù hợp đất ở, thứ hai khi người dân có nhu cầu tách thửa thì phải được phê duyệt hạ tầng gồm có: phê duyệt tổng mặt bằng dự kiến tách thửa, phê duyệt hồ sơ thiết kế đầu tư hạ tầng như điện, nước, đường giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước...
Nếu được nghiệm thu hoàn chỉnh hạ tầng, đủ điều kiện tách thửa sau đó tiến tới thu hồi đất và song song với đó người dân thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất”.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu cần sớm tổ chức rà soát các quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp với quy định hiện hành và tình hình của địa phương. Trong đó, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các Sở, ngành và địa phương. Xử lý kịp thời, nghiêm khắc và công khai đối với các trường hợp phân lô, tách thửa bán đất nền trái phép nhằm răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự trong thời gian tới./.