Tại Điều 8 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở bao gồm việc cấp giấy phép xây dựng, cải tạo nhà ở đối với trường hợp không được phép xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của luật này và pháp luật xây dựng…

Theo đó, Dự thảo Luật Nhà ở cũng cấm xây dựng nhà ở không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc xây dựng nhà ở trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng nhà ở trên đất không đúng mục đích sử dụng đất ở.

Dự thảo còn quy định rõ: Cấm cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở không đúng tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn diện tích đối với từng loại nhà ở mà Nhà nước có quy định về tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn diện tích nhà ở.

Cấm dùng nhà ở làm... nhà nghỉ

Tại mục 6, Điều 8 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định rõ: Nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như: Kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp luật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ…

Quy định này sau đó đã nhận được phản đối của khá nhiều chuyên gia, dư luận vì cho rằng thiếu tính thực tế và khó kiểm soát. Sau đó, viện dẫn Nghị định 23/2009 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương không được sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Luật Nhà ở 2005 không có điều khoản nào quy định nhà ở chỉ được dùng để ở. Luật này cũng chỉ nghiêm cấm việc sử dụng nhà ở vào các hoạt động bị pháp luật cấm, nên không thể chứng minh việc kinh doanh, sản xuất và cho thuê nhà nằm trong danh mục bị pháp luật ngăn cấm.

Trước đây, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành một văn bản trong đó yêu cầu các địa phương nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng vì những quan ngại về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, xáo trộn cuộc sống các cư dân trong toà nhà.

Sở hữu nhà chung cư 70 năm

Tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này, Bộ Xây dựng cũng đưa ra hai phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Trong đó, phương án 1 không quy định thời hạn sở hữu; phương án quy định thời hạn sở hữu.

Trong phương án 2, Luật quy định rõ, đối với trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm.

Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sở hữu nhà chung cư bằng thời hạn sử dụng đất thuê. Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng đất hợp pháp mà xây dựng nhà chung cư thì sở hữu nhà chung cư là không có thời hạn. 

Dự thảo cũng quy định, thời hạn sở hữu nhà chung cư được ghi vào Giấy chứng nhận và khi hết thời hạn sở hữu, các chủ sở hữu nhà ở chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho Nhà nước để phá dỡ và xây dựng lại các công trình khác theo quy hoạch được duyệt tại thời điểm bàn giao lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước. Chủ sở hữu nhà chung cư được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định tại Điều 117 của Luật này./.