Theo quy định của Điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng.

Ông Lê Thiết Hùng, Giám đốc Pháp chế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn cho biết, cấp chứng thư bảo lãnh là nghiệp vụ cấp tín dụng của ngân hàng, đây được xem như lời hứa của ngân hàng nếu bên được bảo lãnh không nhận được nhà đúng như thời hạn thì ngân hàng sẽ hoàn trả lại số tiền mà người dân đã đóng. Nếu có được sự bảo lãnh thì người dân sẽ được bù đắp phần thiệt hại khi chủ đầu tư giao nhà. 

bdsvaynganhang_hykq_elox.jpg
Khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư đưa ra giấy phép của sở xây dựng chấp thuận cho chủ đầu tư được phép huy động vốn. (Ảnh minh họa: KT)
Về phía các doanh nghiệp địa ốc, ông Trương Anh Tú, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty Bất động sản Phúc Khang cho rằng, doanh nghiệp cũng có những khó khăn nhất định về thủ tục, để hoàn tất thủ tục một dự án mất rất nhiều thời gian, công sức. Thêm nữa, theo ông Tù, phí bảo lãnh cũng chưa hoàn toàn nhất quán trên thị trường.

“Toàn bộ chi phí cuối cùng sẽ được hạch toán vào giá thành, vì vậy thiệt thòi nhất vẫn là người mua. Nên có sự linh hoạt và hỗ trợ nhất định về câu chuyện thủ tục và phí ngân hàng”, ông Tú kiến nghị.

Theo đại diện một số doanh nghiệp bất động sản, để tránh rủi ro khi mua nhà hình thành trong tương lai, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư đưa ra giấy phép của sở xây dựng chấp thuận cho chủ đầu tư được phép huy động vốn, thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng.

Khi có được những giấy tờ này, khách hàng đã tránh được phần lớn rủi ro khi mua nhà hình thành trong tương lai./.