Lợi dụng dân nghèo có nhu cầu vay tiền trả nợ, các đối tượng cho vay nóng, tín dụng đen hoạt động rầm rộ. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để dân nghèo dính bẫy tín dụng đen.
Nhiều gia đình nghèo ở Đà Nẵng nợ tiền đất tái định cư quá hạn 10 năm vẫn chưa trả được nợ. |
Nhường đất vào khu tái định cư 20 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng ở tổ 20, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà vẫn còn nợ tiền mua đất tái định cư. Từ chỗ 29 triệu đồng nay khoản nợ tăng lên gần 1 tỷ đồng. Gia đình bà Hoàng thuộc diện hộ nghèo. Chồng đi làm thuê. Bản thân bà bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình không có khả năng trả nợ. Bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết ngày nào người cho vay nóng cũng gọi điện mời chào.
"Ở đây, họ cho vay nóng nhiều lắm nhưng mình không dám. Họ điện thoại tới cho vay, nhưng lãi suất cao lấy gì để trả nổi. Giờ nợ tiền nhiều quá. Nhà lại đông con đành ở liều vậy, chứ chúng tôi cũng không biết làm sao", bà Hoàng ngậm ngùi.
Phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trước đây có nhiều khu vực giải tỏa trắng, các hộ dân phải đi nơi khác tái định cư hoặc vào ở chung cư.
Sau khi giải tỏa, một bộ phận người dân mất việc làm, không có thu nhập, rất nhiều hộ nợ tiền đất kéo dài. Trong đó có hộ nợ tiền đất từ 10 đến 20 năm vẫn chưa trả đồng nào.
Ông Hồ Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết, sau khi thành phố điều chỉnh giá đất mới, số tiền nợ đất tái định cư của người dân tăng lên nhiều lần, khiến nhiều người bất ngờ.
"Sợ nhất trường hợp người dân lo lắng vì không nộp tiền đất sẽ bị thu hồi, rồi quay sang vay tín dụng đen. Địa phương đã chỉ đạo Công an phường rà soát đối tượng cho vay nặng lãi hoặc tình nghi. Đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm loại hình tín dụng này", ông Phước cho hay.
Nhiều gia đình nghèo ở Đà Nẵng nợ tiền đất tái định cư có nguy cơ vỡ nợ. |
Tại thành phố Đà Nẵng, hiện vẫn còn hơn 7.000 hộ dân đang còn nợ tiền đất tái định cư với số tiền hơn 860 tỷ đồng. Nhiều gia đình nợ 20 năm vẫn chưa trả được đồng nào. Sau khi thành phố điều chỉnh giá đất theo định kỳ, số tiền nợ của người dân tăng lên gấp nhiều lần. Nhiều gia đình nợ ban đầu chỉ vài chục triệu đồng nay tăng lên cả tỷ đồng.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho rằng, theo qui định hiện nay người dân nợ đất tái định cư đã quá hạn nên phải chịu trả tiền theo qui định mới. Tuy nhiên, người dân không nên quá vội vàng lo trả nợ mà dính bẫy tín dụng đen.
"Người dân hiện đang ở tình trạng nợ quá hạn. Nếu nộp tiền phải theo bảng giá mới. Tuy nhiên, người dân cũng hết sức bình tĩnh, không nên vội vàng xử lý việc này trong ngày một ngày hai. Thành phố chỉ có cách là kiến nghị lên Trung ương để có giải pháp", ông Hùng cho biết.
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến cho vay lãi nặng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng chỉ đạo các ngân hàng thành viên tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Trong đó khuyến khích các tổ chức tín dụng cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu mở rộng các loại hình cho vay, người được vay. Lực lượng công an thành phố nắm chắc tình hình hoạt động, lên danh sách các đối tượng cho vay nặng lãi để theo dõi, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm.
Thượng tá Phan Minh Mẫn, Trưởng Công an quận Sơn Trà, thành phố cho biết, sau chỉnh trang đô thị, Sơn Trà hiện có nhiều khu chung cư thu nhập thấp, điều kiện kinh tế các hộ nơi đây rất khó khăn. Do đó, không ít các đối tượng tập trung về đây cho vay dưới danh nghĩa kinh doanh tài chính nhưng bản chất có biểu hiện cho vay nặng lãi.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát, răn đe các đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay, không để tái diễn các hoạt động này trên địa bàn", Thượng tá Phan Minh Mẫn khẳng định./.