Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nhu cầu nhà ở rất lớn. Vì vậy, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội được nhiều người kỳ vọng sẽ là góp phần làm cho thị trường bất động sản ấm lên, đồng thời giúp nhiều người thu nhập thấp có cơ hội mua được nhà. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng triển khai, tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ này vẫn ì ạch.
Đến nay, cả thành phố chỉ có 210 cá nhân được vay 49 tỷ đồng và chưa có một doanh nghiệp nào được vay vốn. Ách tắc nằm ở đâu và giải pháp nào để khơi thông nguồn vốn?
Vợ chồng chị Bùi Thị Kim Hương ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đều đang công tác trong ngành giáo dục, tổng thu nhập không quá 10 triệu đồng/ tháng. Tìm hiểu thông tin về gói hỗ trợ 30.000 tỷ, vợ chồng chị đã chạy ngược chạy xuôi tìm các dự án phù hợp với tiêu chuẩn nhà ở xã hội để mua. Cuối cùng, vợ chồng chị chọn một căn hộ có diện tích dưới 70 m2, giá gần 13 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi đến phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank để hỏi thủ tục vay với lãi suất ưu đãi thì mới thấy mình khó mà đáp ứng đủ các thủ tục, điều kiện vay.
Ngoài hàng chục loại giấy tờ chứng minh hai vợ chồng đều thuộc đối tượng thu nhập thấp, chưa có nhà ở, ngân hàng tìm hiểu rất kỹ khả năng trả nợ. Cụ thể, nếu chị Hương vay gần 700 triệu đồng để mua nhà thì những năm đầu, khả năng mỗi tháng chị trả ngân hàng 5- 6 triệu đồng là rất khó. Phía ngân hàng vì vậy mà ngần ngại không cho vay vì sợ rủi ro nợ xấu.
Chị Bùi Thị Kim Hương chán nản nói: “Tôi đã liên hệ và gặp nhiều nhân viên kinh doanh của ngân hàng, họ đều nói là thủ tục khó khăn và có khả năng không vay được, vì lý do A, lý do B và rất nhiều lý do khác nữa. Bạn bè tôi nhiều người mua chung cư nhưng không ai vay được gói hỗ trợ 30.000 tỷ này”.
Đây là khó khăn chung của người thu nhập thấp khi tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở xã hội. Điểm nghẽn của gói hỗ trợ này không chỉ ở thời hạn trả nợ ngắn, người thu nhập thấp khó thực hiện mà các thủ tục để vay cũng phức tạp. Rắc rối nhất là người mua nhà phải công chứng căn nhà hình thành trong tương lai, nhưng thực tế thì chẳng có Phòng Công chứng nào dám làm thủ tục này vì nó trái quy định pháp luật hiện hành. Thêm vào đó, người vay tiền cần ra phường xác nhận là: thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở dưới 8m2/người. Tuy nhiên, rất ít nơi chịu xác nhận với lý do: ở phường này chưa có nhà nhưng có nhà ở phường khác thì sao?
Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Sài Gòn nói: “Một trong những điều kiện để chứng minh để được vay gói hỗ trợ này là người thu nhập thấp và những người trong gia đình chưa có nhà. Điều này đang vướng vì các xã, phường không xác nhận nên nhiều khách hàng đến chúng tôi hỏi vay nhưng không vay được”.
Để phần nào tháo gỡ những vướng mắc trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Vừa qua, rất nhiều ngân hàng phản ánh nếu cho vay trong 10 năm thì khả năng trả nợ của người thu nhập rất khó, gây áp lực cho người vay, có thể xảy ra nợ xấu và rủi ro cho ngân hàng. Cho nên chúng tôi chúng tôi đề nghị nâng mức thời hạn cho vay lên từ 15 đến 20 năm”.
Để người thu nhập thấp được mua nhà, nhất thiết, các vướng mắc này phải được tháo gỡ. Chính Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị trực tiếp hỗ trợ thủ tục cho người thu nhập thấp vay vốn mua nhà cũng đã đưa ra những kiến nghị tương tự.
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh nói: “Quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải kết nối được chủ đầu tư, người mua nhà và ngân hàng để đẩy nhanh giải ngân gói 30.000 tỷ. Chúng tôi cũng kiến nghị cho thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Làm sao người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn nhanh và mức lãi suất chỉ khoảng 3% năm và thời hạn trả vay dài hơn”.
Để tăng thêm nguồn cung, Sở Xây dựng thành phố đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho các dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để từ nay đến năm 2015 có thêm 17 ngàn 500 căn nhà ở xã hội. Gói hỗ trợ nhà ở xã hội là một chủ trương tích cực được nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kỳ vọng. Nhưng nếu các bộ, ngành chức năng không tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn thì một căn hộ vẫn mãi là mơ ước của người thu nhập và thị trường bất động sản- phân khúc bình dân vẫn ì ạch vì cung- cầu không gặp nhau./.