Nhiều khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội đã đi vào hoạt động từ 5-7 năm, có tới vài nghìn hộ dân tới ở nhưng còn thiếu rất nhiều hạ tầng xã hội như chợ, trường học, bệnh viện, trạm xe buýt... Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Dự án nào cũng thiếu

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện có 373 dự án xây dựng nhà ở với tổng diện tích đất khoảng trên 15.000 ha, trong đó có 155 dự án khu đô thị mới, 218 dự án phát triển nhà ở. Tuy nhiên, hiếm có khu đô thị nào hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật tới hạ tầng xã hội.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Hà Nội, có giá căn hộ phải chăng, phù hợp với người có thu nhập thấp nên Khu đô thị mới Đặng Xá (huyện Gia Lâm) thu hút khá đông dân cư đến ở. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng và đi vào hoạt động, khu đô thị hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của gần 8.000 người dân, nhất là các hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, bệnh viện...

nha_xh_pqbq.jpgNhiều hạ tầng thiết yếu chưa được đáp ứng tại các khu đô thị. (Ảnh: Internet)
Tại khu đô thị mới Bắc quốc lộ 32 (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức), tình hình cũng không khả quan hơn. Hiện nay, chủ đầu tư đã bàn giao 551/784 căn hộ cho người dân, nhưng khu đất được quy hoạch để làm trường học đã 7 năm trôi qua vẫn "tắc" GPMB. Tương tự, khu đô thị Văn Phú Invest (phường Phú La, quận Hà Đông) được triển khai từ tháng 3/2007, đã bàn giao 2.578/2.600 căn hộ cho khách hàng, song còn một ô đất để xây dựng trạm y tế đã bị bỏ lại nhiều năm nay với lý do vướng GPMB.

Ghi nhận thực tế cho thấy, phần lớn các khu đô thị chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, thiếu nhà văn hóa, trạm y tế, trường học công lập. Đó là chưa kể đến việc thành lập ban quản trị, các tổ chức hành chính khu dân cư như tổ dân phố, chi bộ đảng, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội khuyến học... cũng chưa được triển khai.

Ở đây, những gì mang lại lợi nhuận trước mắt thì các chủ đầu tư làm trước, còn đến khâu triển khai hạ tầng xã hội thì đều kêu vướng. Rõ ràng, các doanh nghiệp đã cố tình lờ đi quyền lợi của khách hàng, chỉ quan tâm tới những gì có lợi cho mình.

Nhà đầu tư thiếu năng lực

Theo Sở KH-ĐT Hà Nội, trong số 200 dự án khu đô thị mới, phát triển nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận, mới có 19 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Hiện nay, có tới 99 dự án chậm so với tiến độ đã duyệt; 17 dự án cần tiếp tục kiểm tra, rà soát thông tin và 36 dự án chưa đến thời điểm hoàn thành dự án.

Nguyên nhân của sự chậm trễ, lý do chính được các chủ đầu tư đưa ra vẫn là vướng GPMB, do sự trầm lắng của thị trường bất động sản hay tại các nhà đầu tư thứ cấp làm chậm tiến độ. Từ góc độ quản lý, Sở TN-MT Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, ở đây, có sự hạn chế trong công tác thẩm định dẫn đến việc lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực, làm chậm tiến độ các dự án. Từ đó, gây ra tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả, những dự án để đất hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê trái phép...

Đáng chú ý, dự án chậm tiến độ hàng loạt, song tỷ lệ dự án được điều chỉnh quy hoạch lại rất lớn. Thực tế cho thấy, có tới 90% các dự án nhà ở thương mại hiện nay đã xin điều chỉnh quy hoạch hoặc mục đích sử dụng. Trong đó, nhiều dự án được điều chỉnh theo chiều hướng gia tăng mật độ, tăng dân số và có lợi cho chủ đầu tư.

Đơn cử, tại Khu đô thị Bắc quốc lộ 32, các ô đất nhà biệt thự thấp tầng đã điều chỉnh quy hoạch từ tầng hầm sang tầng trệt. Tại các Khu đô thị Đặng Xá, Việt Hưng (Long Biên), một phần dự án đã xin điều chỉnh từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam nhận xét, những thay đổi mang tính khách quan, do tình hình thị trường hay vì lợi ích chính đáng của người dân là cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải được thực hiện tổng thể vì xét duyệt đơn lẻ từng dự án sẽ làm tăng mật độ dân số, tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng vốn đã rất thiếu.

"Các sở, ngành cần rút kinh nghiệm, có giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, thiếu sót hiện nay. TP cần có kế hoạch đầu tư khớp nối hạ tầng các khu đô thị, khu nhà ở thương mại với khu vực xung quanh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân", ông Nguyễn Hoài Nam nói./.