Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn hay gõ cửa ngân hàng, khá nhiều doanh nghiệp chọn phương án khác là phát hành trái phiếu với kỳ vọng huy động dòng tiền lớn hơn phục vụ các dự án mới.
Ngày 15/5, tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, Công ty cổ phần Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) đã thông qua phương án phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Với kế hoạch này, DXG sẽ phát hành loại trái phiếu chứng chỉ và bút toán ghi sổ thời hạn 5 năm. Doanh nghiệp có thể phát hành một đợt hoặc nhiều đợt trong năm tùy theo nhu cầu vốn.
Chủ tịch HĐQT DXG Lương Trí Thìn cho biết, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn này cho hoạt động M&A (mua bán sáp nhập), chuẩn bị quỹ đất, tập trung phát triển 4 công ty con phụ trách 4 vùng miền: Bắc, Trung, Đông Nam bộ và miền Nam. "Chúng tôi chọn phát hành trái phiếu vì nhiều lý do. Một là thu hút được dòng tiền quy mô lớn. Hai là tránh pha loãng cổ phiếu. Ba là thủ tục nhanh chóng, có thể thỏa thuận linh hoạt. Bốn là lãi suất ổn định trong trung và dài hạn", ông Thìn giải thích.
Hoạt động trong ngành xây dựng và bất động sản, Công ty cổ phần Tasco (mã CK: HUT) cũng nhắm đến việc phát hành trái phiếu để thu xếp dòng tiền cho những dự án mới. Trong mùa đại hội năm nay, HUT đã trình cổ đông phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị là 500 tỷ đồng.
Đây là loại trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu HUT không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, doanh nghiệp cam kết bằng dòng tiền đến từ các dự án BT, BOT và bất động sản đang thực hiện. Kỳ hạn trái phiếu là 3 năm, thời gian thực hiện do HĐQT quyết định trong năm 2015. Thời gian chuyển đổi ít nhất sau một năm kể từ khi phát hành và được chuyển đổi tối đa 3 lần.
Khi bị chất vấn tại sao phải phát hành trái phiếu, lãnh đạo HUT giải thích, vì ngành đầu tư hạ tầng đòi hỏi trách nhiệm và vốn đối ứng tham gia vào dự án không nhỏ (15% vốn). Vì lý do này, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phát hành trái phiếu.
Các doanh nghiệp địa ốc, xây dựng, hạ tầng đua nhau phát hành trái phiếu để giải cơn khát vốn cho những dự án quy mô lớn. (Ảnh: Vũ Lê) |
Trong quý I/2015, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) thông báo phát hành thành công 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ mệnh giá một tỷ đồng/ trái phiếu. Đợt phát hành đã bán thành công cho 6 nhà đầu tư, trong đó có 2 tổ chức nước ngoài và 4 tổ chức trong nước. Ngày hoàn thành đợt chào bán là 14/1/2015, trái phiếu có thời hạn 3 năm, lãi suất 8%/năm. Kỳ hạn trả lãi hằng năm vào ngày tròn 12, 24, 36 tháng. Trái phiếu hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Theo lãnh đạo KBC, mục đích của các đợt phát hành trên nhằm tái cấu trúc lại các khoản vay, bổ sung nguồn vốn kinh doanh để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các dự án khu công nghiệp, khu đô thị tiềm năng đồng thời đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.
Gần đây nhất là vào cuối năm 2014, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đã niêm yết hơn một triệu trái phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá 1.081 tỷ đồng nhằm huy động vốn để xây dựng các dự án hạ tầng lớn tại TP HCM. Thời hạn phát hành trái phiếu là 5 năm, ngày đáo hạn là 23/6/2019 với lãi suất 12%/năm. Kỳ hạn trả lãi được thanh toán mỗi năm một lần.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, so với phát hành cổ phiếu và vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu đúng là lựa chọn dễ thở hơn đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng cơ bản như: địa ốc, xây dựng, hạ tầng.
Những ngành này có điểm chung là ngốn vốn nhiều và đòi hỏi tính liên tục suốt quá trình triển khai trong khi không phải lúc nào ngân hàng cũng đáp ứng toàn bộ vốn doanh nghiệp cần. Do đó, hầu như các công ty niêm yết nếu có kế hoạch triển khai những dự án tầm cỡ đều có xu hướng huy động vốn từ trái phiếu. "Đây được xem là kênh huy động vốn mà doanh nghiệp phải mang tên tuổi, thương hiệu và uy tín ra đặt cược. Nếu chiếm được niềm tin của nhà đầu tư thì xem như khả năng huy động vốn thành công khá cao", ông Hiển nói.
Mặc dù ưu điểm của việc phát hành trái phiếu là huy động được nguồn vốn rất lớn nhưng săn dòng tiền từ kênh này không phải lúc nào cũng là câu chuyện dễ dàng. Chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán Bản Việt, Nguyễn Thế Minh nhận xét : "Huy động vốn bằng kênh này phải đáp ứng nhiều tiêu chí hơn là phát hành cổ phiếu".
Chuyên gia này phân tích, ngoài tính minh bạch cao, sức khỏe của doanh nghiệp tốt, muốn phát hành trái phiếu thành công các công ty niêm yết còn phải kèm theo một số điều kiện. Chẳng hạn như: chuyển đổi sang cổ phiếu (trái phiếu chuyển đổi) hoặc hoán đổi cổ phần một công ty thứ ba (trái phiếu hoán đổi), lãi suất thỏa thuận phải cao hơn so với ngân hàng. Có trường hợp trái phiếu kèm thỏa thuận thêm quyền mua sản phẩm với giá ưu đãi... để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Theo ông Minh, do giá trị của từng doanh nghiệp và cấu trúc tài chính khác nhau nên cách sử dụng vốn huy động cũng không hề giống nhau. Từ đó hiệu quả của dòng vốn cũng biến hóa khôn lường và điều này tác động không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư. Những công ty có tên tuổi, thuộc nhóm blue chip dễ dàng tiếp cận với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để săn vốn lô lớn. Ngược lại, các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn chỉ có thể phát hành trái phiếu cho các tổ chức trong nước với số lượng khiêm tốn hơn.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Chẳng hạn như các điều kiện chuyển đổi không phải lúc nào cũng thuận lợi, có nhiều loại trái phiếu phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường chứng khoán. Đó là chưa kể đến khi đến hạn trả nợ trái phiếu, những ưu đãi hấp dẫn ban đầu có thể biến thành ngược đãi.
"Điều quan trọng nhất là tính minh bạch của các doanh nghiệp ngành xây dựng cơ bản, đặc biệt là bất động sản chưa cao so với quy chuẩn chung. Đây là thách thức không hề nhỏ cho các trái chủ và cho chính doanh nghiệp khi gia nhập thị trường trái phiếu", ông nhận định./.