Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa có hiệu lực từ 01/01/2020.
Nhiều chuyên gia phân tích, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Nhưng theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước thì từ ngày 1/1/2020, vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm xuống còn 40%, đến ngày 1/10/2020 sẽ giảm xuống còn 37% và mức trần cho vay này sẽ giảm xuống còn 30% vào ngày 1/10/2022. Như vậy, thời gian tới, doanh nghiệp bất động sản nào dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng thì sẽ khó khăn hơn về vốn.
Nguồn vốn cho vay bất động sản ngày càng giảm, kéo theo doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn. |
Trước tình hình này, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần đa dạng việc huy động nguồn vốn và sử dụng dòng tiền một cách thông minh, nhất là nguồn vốn khá dồi dào từ người tiêu dùng.
Nhu cầu thị trường nhà ở căn hộ hiện tập trung nhiều nhất ở phân khúc trung bình với mức giá khoảng 2 tỷ đồng. Riêng phân khúc cao cấp đang thiếu sản phẩm nhà nhiều tiện ích và không gian xanh... Trong khi nguồn cung hiện nay tập trung vào căn hộ và nhà có mức giá cao nên đang lệch cầu. Các doanh nghiệp cần phải có sự điều chỉnh hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực tế để huy động tốt nguồn vốn từ khách hàng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên chuyển mô hình hoạt động, minh bạch tài chính để lên sàn chứng khoán huy động nguồn vốn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn trung, dài hạn cũng cần phải tính đến.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TPHCM cho rằng: “Doanh nghiệp hãy nỗ lực để trở thành doanh nghiệp có năng lực, có uy tín để tiếp cận các nguồn vốn. Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, các doanh nghiệp thay đổi mô hình từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được niêm yết ở thị trường chứng khoán”.
Năm 2019, thị trường bất động sản không chỉ riêng TPHCM mà cả nước gặp nhiều khó khăn, sụt giảm cả về quy mô lẫn số lượng dự án, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản giải thể. Riêng TPHCM, có tới 126 dự án nhà ở thương mại bị ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng, 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý.
Thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được Ủy ban nhân dân TPHCM chấp nhận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án, giảm 92% so với năm 2018./.Trầm lắng bất động sản cuối năm, nhiều người chấp nhận bỏ tiền cọc