Những dự án bất động sản du lịch cao cấp của CEO Group tại Phú Quốc, FLC tại Thanh Hóa hay Sun Group tại Sapa… đang đánh thức một hướng đầu tư ngủ yên nhiều năm qua.

Tiền tìm chốn sinh lời

Việc Tập đoàn Sun Group khởi công tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan và hệ thống khách sạn, khu vui chơi - giải trí tại thị trấn Sapa vào cuối năm 2013 thu hút không ít sự chú ý của giới đầu tư, bởi đây vẫn là thời điểm thị trường bất động sản hết sức trầm lắng.

359relax_qqlx.jpg 

Điều gì thôi thúc Sun Group đổ khoản tiền đầu tư trị giá 4.400 tỷ đồng vào dự án này, nếu không phải là mức lợi nhuận tốt mà Sun Group có được tại Khu du lịch cáp treo núi Bà Nà (TP Đà Nẵng) những năm gần đây.

Đến tháng 5/2014, khi FLC khởi công xây dựng sân golf 18 lỗ và khu nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) với số vốn đầu tư lên đến 5.000 tỷ đồng và Tập đoàn CEO Group thông báo kế hoạch khởi công xây dựng dự án khách sạn 406 phòng mang thương hiệu Novotel tại huyện đảo Phú Quốc trong tháng 6/2014 với số vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, thì giới đầu tư bất động sản bị đánh động thực sự.

Xu hướng dòng tiền đầu tư trở lại phân khúc này ở Việt Nam được chú ý đến mức, công ty môi giới bất động sản quốc tế CBRE phải cử Giám đốc điều hành mảng dịch vụ khách sạn khu vực châu Á từ đại bản doanh đóng ở Singapore đến Việt Nam 2 ngày (9 - 10/6/2014) để giải đáp thắc mắc cho các nhà đầu tư muốn bỏ tiền vào phân khúc này.

Ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành mảng dịch vụ khách sạn của CBRE khu vực châu Á cho biết, trong bối cảnh giá cả tại các khu vực như Hong Kong, Singapore và Tokyo liên tục tăng cao, các nhà đầu tư bị thúc đẩy tìm kiếm các cơ hội đầu tư bên ngoài các thị trường này. Dòng vốn đầu tư vào phân khúc khách sạn, khu nghỉ dưỡng thông qua các công ty của Việt Nam như FLC, CEO Group có thể bao gồm cả nguồn tài chính từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có các cơ hội đầu tư tiềm năng với tỷ suất lợi nhuận tốt, ít rủi ro mới thu hút được nhà đầu tư trong giai đoạn này.

Theo thống kê của CBRE tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á, liên tục từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm có 30 - 70 tỷ USD vốn đầu tư đổ vào phân khúc này.

Thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng được lựa chọn

Theo CBRE Việt Nam, nhu cầu khách du lịch nội địa của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong vòng 3 năm trở lại đây với mức tăng trưởng trung bình 7 - 8%/năm, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế.

Một điểm tích cực khác là tỷ suất sinh lời đang hấp dẫn hơn trong lĩnh vực đầu tư khách sạn nhờ sự cải thiện từ tình hình kinh tế vĩ mô. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp đang dần lộ diện, đặc biệt là các nhà đầu tư quan tâm tìm kiếm những khách sạn chất lượng cao tại các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á. Nhu cầu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng có dấu hiệu gia tăng, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm nay tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến sự chuyển hướng quan tâm của khách du lịch đến với Việt Nam, ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành mảng dịch vụ khách sạn CBRE khu vực châu Á cho rằng, là do tình hình chính trị bất ổn ở Thái Lan.

“Khách du lịch quan tâm đến khu vực Đông Nam Á đang hướng đến các nước khác trong khu vực. Tỷ lệ sử dụng phòng ở các khách sạn Việt Nam đang cải thiện hơn trong 3 năm gần đây, với mức sử dụng phòng trung bình ở Hà Nội và TP HCM đạt 63%, còn tại Đà Nẵng là 70%”, ông Robert McIntosh dẫn chứng.

“Chất lượng khách sạn và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể là tiền đề phát triển một thị trường du lịch ổn định và bền vững. Cùng với đó là các dự báo về tình hình kinh doanh khách sạn sẽ được cải thiện trong trung hạn. Đây là những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam”, ông Châu Trần, Quản lý cấp cao của CBRE Việt Nam nhận định./.