Nhóm công tác Du lịch và Nhà hàng – Khách sạn thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 (VBF 2013) cho rằng, nếu Việt Nam muốn phát huy hết được tiềm năng và đạt được mục tiêu của mình về số lượt khách đến và doanh thu, Việt Nam cần học hỏi từ thành công của các quốc gia khác.
Lấy Thái Lan làm ví dụ, Nhóm này chỉ ra rằng: Đất nước Thái Lan đã thành công trong việc thu hút được trên 22 triệu lượt khách trong năm 2012; và bất chấp những vấn đề về chính trị và thảm họa tự nhiên, lượng khách tiếp tục quay trở lại Thái Lan vẫn ở mức rất cao.
Đề xuất tại VBF 2013 cho rằng, Việt Nam nên cho người nước ngoài sở hữu nhà ở nghỉ dưỡng tại một số khu vực nhất định. |
Thành công này dựa trên việc đưa ra nhiều lựa chọn về chất lượng và giá cả của các tiện nghi du lịch và đã góp phần đưa thủ đô Bangkok trở thành một trung tâm của khu vực. Đặc biệt, việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản đã được chứng minh là đặc biệt hấp dẫn và thu hút đối với cả những khách du lịch trong khu vực và những khách du lịch đường dài.
Nên cho phép sở hữu nhà ở nghỉ dưỡng tại một số khu vực
Do đó, theo Nhóm này, tại Việt Nam việc được sở hữu nhà ở rất thu hút đối với người nước ngoài ở một số khu vực du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và Phú Quốc. “Chúng tôi cho rằng việc này cũng sẽ giúp tạo nên sức sống mới cho thị trường nhà ở tại một số khu vực nêu trên. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam do thị trường nhà ở nghỉ dưỡng tại các điểm đến du lịch là rất lớn và sẽ tự động tạo ra lượng du khách quay trở lại thường xuyên cho Việt Nam”- Báo cáo của Nhóm đề gửi Chính phủ Việt Nam.
Hơn nữa, Nhóm cũng cho rằng, họ hiểu sự nhạy cảm của vấn đề này, nhưng tin rằng có thể tìm ra cách thức thực hiện mà vẫn duy trì được nguyên tắc cơ bản là đất đai thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Những lợi ích mang lại là xứng đáng để xem xét lại các luật về sở hữu bất động sản, mặt khác, việc sở hữu có thể chỉ cần dựa trên cơ sở cho thuê có thời hạn.
Ví dụ, Thái Lan ban đầu cho phép người nước ngoài được hưởng các lợi ích từ các hợp đồng cho thuê dài hạn các căn hộ trong một khu phức hợp mà người Thái sở hữu trên 51%. Để tăng số ngày lưu trú của du khách, khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các gia đình, và giảm nguồn cung thị trường nhà ở hiện đã dư thừa quá mức, Việt Nam nên cân nhắc triển khai một chương trình cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở nghỉ dưỡng tại một số khu vực nhất định.
Trên cơ sở những phân tích này, Nhóm đã đề xuất: Việt Nam cần triển khai một chương trình cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại một số khu vực nhất định, ít nhất là đối với căn hộ, nhưng tốt nhất nên áp dụng chế độ thuê thời hạn 50 năm và được gia hạn đối với nhà biệt thự.
Đang có thay đổi cơ cấu khách du lịch đến Việt Nam
Năm 2012, ngành Du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 9,5%, đạt 6,8 triệu lượt người. Theo Tổng cục Thống kê, ngành du lịch và dịch vụ hiện đang đóng góp 4,13% GDP của cả nước, sử dụng xấp xỉ 3,8% tổng số lao động và khoảng 4,3% tổng số lao động tham gia gián tiếp. Như vậy, ngành du lịch và dịch vụ trở thành một trong những ngành sử dụng lao động lớn của cả nước. Sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành du lịch và lữ hành của Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ trong năm 2010. Xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2011 và 2012 với tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 30% trong năm 2010, 19% trong năm 2011 và 9,5% trong năm 2012. Số du khách trong nước cũng tăng lên mức 32,5 triệu lượt người, tăng 8% so với năm 2012.
Nhóm công tác Du lịch và Nhà hàng – Khách sạn thuộc VBF 2013 đánh giá: có một sự thay đổi rõ ràng đang diễn ra trong cơ cấu khách du lịch nước ngoài với sự sụt giảm các nhóm khách và số lượng khách du lịch đơn lẻ đến từ châu Âu, Bắc Mỹ đồng thời có sự gia tăng lượng khách từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Thời gian thuê, số phòng thuê tại các khách sạn 5 sao và mức chi tiêu nói chung của các du khách nước ngoài này hiện đang giảm.
Nhóm còn lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng về lượt khách du lịch tại các nước láng giềng, nơi đã thiết lập hệ thống và thủ tục cấp visa tại cửa khẩu, là cao hơn so với tốc tộ tăng trưởng của Việt Nam năm 2012. Ví dụ, Thái Lan đã ghi nhận hơn 22 triệu lượt khách du lịch so với mức 18 triệu lượt khách năm 2011 (tăng 22%), mặc dù có những vấn đề về chính trị và thảm họa tự nhiên như lũ lụt. Số khách du lịch tới Campuchia cũng tăng ở tốc độ nhanh hơn, đạt 24%, từ 2,9 triệu năm 2011 tới 3,6 triệu lượt khách năm 2012.
Vấn đề đáng quan tâm hơn cả là việc sụt giảm số lượng khách du lịch trong Quý đầu năm 2013 (-6.2%) so với cùng kỳ năm 2012, trong khi đó cả Thái Lan và Campuchia đều đạt được những kỷ lục trong Quý I/2013. Số lượng khách du lịch đến Thái Lan tăng gần 20% với 6,8 triệu lượt khách và số khách du lịch bằng đường hàng không đến Campuchia tăng 20% cùng kỳ.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) xếp Việt Nam ở vị trí 89 trên tổng số 184 quốc gia được xếp hạng về đóng góp của ngành du lịch trong GDP và ở vị trí 16 trên tổng số 184 quốc gia về tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI) 2013 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam cũng xếp thứ 80 trên tổng số 139 quốc gia, trừ Myanmar và Lào./.