Người cho rằng quá chậm chạp, người lại cho rằng, như thế đã là một kỳ tích. Mặc dù về lý thuyết, các quy định đối với người được vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã được nới lỏng hết mức, khi không còn yêu cầu người mua nhà phải chứng minh thu nhập, mà chỉ cần xác nhận điều kiện nhà ở, nhưng thực chất, từ việc được tham gia chương trình tới việc được vay tiền từ gói 30.000 tỉ đồng là một bước đi dài.

Ông Trần Tuấn Bình, ở ngõ 1 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết: “Mặc dù tôi đáp ứng đủ yêu cầu mà các cơ quan Nhà nước đề ra nhưng không ngân hàng nào trong số mấy ngân hàng được giao gói 30.000 tỉ đồng cho tôi vay tiền. Có lẽ họ sợ chúng tôi không đủ tiền trả nợ, hoặc e ngại căn hộ chúng tôi sẽ mua không bán được. Ngay cả các công ty xây dựng cũng không mặn mà với các hồ sơ của chúng tôi”.

nha-xa-hoi.jpg
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng vẫn chậm đến với những người đang gặp khó khăn thực sự về nhà ở (ảnh: KT)

Ông Trần Tuấn Bình không phải khách hàng duy nhất gặp phải cảnh trớ trêu này. Rất nhiều người có thu nhập thấp đang “đứng ngoài” cơ hội tiếp cận với gói 30.000 tỉ đồng, vì một nghịch lý: thu nhập thấp mới phải đi vay, nhưng đi vay lại không được ngân hàng đón nhận vì e ngại nguy cơ nợ xấu phát sinh. Đây chính là thực tế mà nhiều chuyên gia bất động sản đã cảnh báo: nếu không lựa chọn góc tiếp cận hợp lý hơn, người dân sẽ giảm niềm tin vào gói tín dụng này.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phân tích: “Tốc độ giải ngân của gói 30.000 tỉ đồng chưa đạt được kỳ vọng của người tiêu dùng và đang gây nên tâm lý hoài nghi về việc thực thi các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Tốc độ giải ngân tín dụng cho tiêu dùng vừa qua quá chậm. Đây là vấn đề về chính sách Nhà nước cần nghiên cứu để bổ sung quy định, giải quyết vướng mắc đang cản trở tiếp cận nguồn vốn này”.

Cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết: “Tôi có thể khẳng định, đối tượng thu nhập thấp thuộc diện được mua nhà ở xã hội đều được vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ. Tuy nhiên, theo quy định, không phải tất cả hộ cá nhân đăng ký vay vốn đều được vay. Trong thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định là người vay phải chứng minh có ít nhất 20% khoản vay của mình có sẵn, mới được đi vay thêm. Để vay thêm được, người đi vay phải chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ của mình”.

Tuy nhiên, nói một cách khách quan, cũng không thể trách các ngân hàng thương mại quốc doanh, vì rõ ràng, nếu cứ cho vay với đối tượng được vay là những người có thu nhập thấp, dưới 9 triệu đồng/tháng, tài sản thế chấp là các căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội được hình thành trong tương lai, chưa biết khả năng tiêu thụ ra sao, và điều kiện mua bán cũng rất nhiều ràng buộc, ngân hàng - cũng là một doanh nghiệp đặc biệt - sẽ không tránh khỏi nợ xấu.

Mặt khác, theo phân tích của chuyên gia ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu, với thời hạn cho vay quá ngắn như hiện nay, khả năng phát sinh nợ xấu là khó tránh khỏi. “Giả sử căn hộ 800 triệu đồng, vay ngân hàng 600 - 700 triệu đồng mà chỉ trả trong vòng 10 năm người thu nhập thấp sẽ không thể trả được. Do đó, để hạn chế nợ xấu, ngoài việc ngân hàng kiểm soát chặt chẽ bằng nghiệp vụ của mình, cũng cần cơ cấu lại các khoản nợ một cách hợp lý theo hướng kéo dài thời hạn cho vay” - Ông Hiếu phân tích.

Thực tế này cho thấy, nếu muốn đẩy nhanh gói tín dụng 30.000 tỉ đồng và để gói này mang lại những hiệu quả thực sự, cần thay đổi cách đặt vấn đề. Cụ thể là nên tập trung vào các dự án nhà ở xã hội theo kiểu cho thuê, thay vì mua hoặc thuê mua hiện nay.

Đối với những địa phương còn nhiều quỹ đất và người dân không có thói quen sống ở các chung cư, nên cấp đất cho một cộng đồng dân cư rồi cho họ vay tiền để xây nhà, với điều kiện các căn nhà đều tuân thủ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết của địa phương. Đây là cách Hiệp hội Đô thị Việt Nam đã triển khai ở một số đô thị.

Có như vậy, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng mới đến với những người đang gặp khó khăn thực sự về nhà ở./.