Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng chỉ đưa ra chính sách và phối hợp đôn đốc, có trách nhiệm tăng tốc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng nhưng Bộ Xây dựng lại không được nắm tiền.

“Chúng tôi không có gì cả, chỉ có chính sách, mà chính sách thì nới rồi, còn đang đề nghị nới tiếp. Chúng tôi làm việc rất tích cực, các doanh nghiệp cũng rất hưởng ứng, số lượng doanh nghiệp đăng ký rất nhiều. Bây giờ chỉ là phối hợp làm sao với bên ngân hàng để thực hiện mạnh hơn”, ông Nam nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng nhận thấy, bản thân các ngân hàng đang trong giai đoạn bị giám sát chặt chẽ nên có những yếu tố về tâm lý đối với các cán bộ công nhân viên ngân hàng, ngại ngùng việc cho vay. Có một nghịch lý là các ngân hàng hiện nay đang thừa vốn, cho vay rất thấp nhưng tín dụng lại tăng trưởng âm, trong khi doanh nghiệp lại đang thiếu vốn.

Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng, ông Nam cho biết đang kiến nghị tăng thêm số lượng ngân hàng tham gia giải ngân, kéo dài thêm thời gian cho vay và cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để đẩy mạnh nguồn cung.

“Chúng tôi đang kiến nghị mở rộng thêm một số ngân hàng thương mại nữa tham gia vào việc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng này. Bởi vì các ngân hàng thương mại chịu sức ép về lợi nhuận hơn là các ngân hàng nhà nước”, Thứ trưởng Nam cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, đề nghị gia hạn vay gói hỗ trợ 30.000 tỉ tăng lên từ 10-15 năm. Như vậy, những người thu nhập 6 triệu đồng thì dành 1/4 là 1,5 triệu đồng để mua nhà, 1 năm mới được 18 triệu đồng, 10 năm là 180 triệu đồng sẽ mất rất nhiều thời gian. Tất nhiên là tiền lương có thể sẽ tăng nhưng không đáng kể. 10 năm mới để dành được 180 triệu đồng để mua nhà nên kéo dài lên 15 năm thì người dân sẽ có 270 triệu đồng, ngân hàng cũng dễ cho vay hơn.

Tương tự, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định rằng, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng nằm ở ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm giải quyết. Bộ Xây dựng cùng với các ngân hàng tích cực đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng tốc độ giải ngân.

"Việc này không chỉ là riêng của Bộ Xây dựng, để giải ngân nhanh gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi chúng tôi rất mong muốn sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương. Vì tất cả các dự án phát triển nhà ở xã hội đều ở địa phương thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương quyết định", Bộ trưởng chia sẻ./.