Tập trung cải tạo chung cư cũ

Hiện nay, Hà Nội và TP HCM có khoảng 2.000 chung cư cũ. Nhiều chung cư đã quá xuống cấp, ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan và tính mạng người dân.

chung-cu-cu.jpg
Nhiều người không muốn chuyển đi nơi khác vì thương hiệu hộ khẩu nội thành (ảnh KT)

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, để mục tiêu cải tạo chung cư cũ hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thì rất cần có sự đồng lòng của người dân. Bởi thực tế, “Hà Nội đã triển khai thí điểm một số dự án nhưng vấp, như “húc” vào tường đá” – ông Nguyễn Thế Thảo nói và dẫn chứng về khu chung cư Nguyễn Công Trứ: “Mấy block nhà làm được là sắp sập, phải cưỡng chế, giải tỏa thì mới đưa được dân ra để xây dựng. Người dân không muốn di chuyển đi xa vì thương hiệu hộ khẩu ở trung tâm. Để cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, thành phố phải bổ sung đến 2.000 tỷ đồng”.

Để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả cải tạo chung cư cũ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Nhà nước phải là chủ thể cải tạo nhà chung cư và cần làm quyết liệt trong 10 năm tới để cải tạo cơ bản các chung cư cũ hiện nay. Trước hết, Bộ sẽ cùng các địa phương xây dựng lộ trình cải tạo (cái  nào cần làm trước, giữ lại…) để đảm bảo cảnh quan đô thị”.

Được biết, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng chung cư cũ theo hướng Nhà nước sẽ là chủ đầu tư thay DN như trước. Bộ Xây dựng và TP Hà Nội có trách nhiệm thông báo lộ trình thay đổi nhà chung cư và công bố công trình nào phải di dời. Nhà nước sẽ có quỹ nhà để di dân đến tái định cư chứ không phải làm tại chỗ như hiện nay.

“Nếu thực hiện được tại Hà Nội và TP HCM thì coi như thành công” – Bộ trưởng khẳng định.

Nhà ở xã hội là tiêu chí số 1

Phát triển nhà ở xã hội là chương trình trọng tâm Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện thời gian tới.

“Hà Nội cần có quỹ đất để phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu, khả năng thanh toán của người dân. Phát triển được loại hình nhà ở phi hàng hóa là con đường gần nhất để đi đến mục tiêu mọi người dân đều có chỗ ở” – Bộ trưởng Dũng nói.

Phát triển nhanh nhà ở thị trường phi hàng hóa cần có sự can thiệp mạnh của Nhà nước. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Chiến lược phát triển nhà ở xã hội đã phân thành 8 nhóm đối tượng được ưu tiên, đó là: người có công với đất nước nhưng còn khó khăn về nhà ở; người vùng sâu-vùng xa, người sống ở đô thị khó khăn nhà ở; cán bộ, tri thức nghèo, công nhân sĩ quan lực lượng vuc trang, công nhân KCN, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và người già cô đơn không nơi nương tựa”.

Với nhà ở xã hội các tiêu chí sẽ không cao như nhà ở hàng hóa, tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh rằng: Không phải vì thế mà không chú trọng đến chất lượng xây dựng, có chăng chỉ là các vật liệu hoàn thiện sẽ không được đắt tiền, cao cấp như nhà ở hàng hóa.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thời gian qua giữa Bộ và thành phố Hà Nội có sự phối hợp hiệu quả trong những lĩnh vực xây dựng, qui hoạch, quản lý đô thị. Một trong những thành công được ghi nhận là Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội vừa được Chính phủ phê duyệt với tính đồng bộ cao, quy mô xứng tầm quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, sẽ có khoảng 9 triệu dân vào 2030 vì thế những kết quả đạt được hôm nay sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, sắp tới Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về tăng cường quản lý nâng cao chất lượng quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý thị trường BĐS. Trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng và TP Hà Nội tập trung rà soát các dự án và cơ cấu lại các sản phẩm các dự án để cân đối cung - cầu, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh./.