Gỡ khó bằng chính sách chứ không phải… bơm tiền

Gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở là một điểm nhấn giải pháp quan trọng để gỡ khó cho thị trường BĐS, song đến nay dư luận cho rằng gói hỗ trợ này kém hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh rằng, giải pháp khắc phục khó khăn cho thị trường BĐS chủ yếu là hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn là chính chứ không phải bơm tiền vào thị trường, vì nếu dùng tiền thì Nhà nước không đủ nguồn lực.

bds1_dxa.jpg
Dư luận cho rằng giá nhà ở xã hội hiện nay còn cao

Ông Nam cho biết: Theo kết quả rà soát của các địa phương về nhu cầu nhà ở, hiện nay và đến 2015 trong khu vực đô thị cả nước còn khoảng 1,74 triệu người có khó khăn về nhà ở và 1,715 triệu công nhân có nhu cầu chỗ ở ổn định.

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân lao động KCN cần phải xây dựng 700.000 căn hộ. Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn như: Hà Nội (hơn 110 nghìn căn); TP.HCM (134 nghìn căn); Bình Dương (104 nghìn căn), Đồng Nai (95.000 căn…).

Riêng tổng hợp của 25 bộ, ngành có nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực Hà Nội hiện đã có nhu cầu khoảng 30.000 căn. Như vậy, “nếu nhìn vào nhu cầu về nhà ở xã hội, so sánh với gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng, rõ ràng vẫn là con số rất ít. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ đồng”- Thứ trưởng Nam phân tích.

Tính đến thời điểm 13/8/2013, ngoài các chủ đầu tư có dự án được các ngân hàng  xem xét cho vay vốn, các ngân hàng đã cho vay 208  khách hàng hộ gia đình với số tiền trên 49 tỷ đồng.

Nhà ở xã hội đã kéo giảm giá thị trường nhà ở

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam còn cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội chính là sự tác động của Nhà nước vào thị trường BĐS, làm gia tăng giao dịch và kéo mặt bằng chung về giá nhà ở trên thị trường xuống đáng kể.

Cả nước đang có 167 dự án NƠXH đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô 18.850 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 32 dự án với quy mô gần 20.000 căn. Trong thời gian ngắn vừa qua, một số dự án NƠXH trong cả nước cũng đồng loạt được khởi công xây dựng.

Đến nay, đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội với quy mô 34.000 căn, chủ yếu tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM, ngoài ra còn có 22 dự án nhà thương mại đăng ký điều chỉnh quy mô căn hộ, tăng từ 6.000 căn lên 8.320 căn hộ.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các địa phương, đặc biệt là 2 đô thị lớn có nhu cầu nhà ở lớn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quy hoạch những khu ĐTM rộng hàng trăm ha, có đầy đủ hạ tầng để phát triển nhà ở xã hội. Trước mắt, sử dụng quỹ đất 20% trong các KĐTM để xây nhà ở xã hội, nhưng về lâu dài phải quy hoạch các khu có quy mô lớn, cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Cần chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn để đáp ứng nhu cầu của họ. Ví dụ: tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30m2 - 70m2 và có hạ tầng đầy đủ. Sắp tới có thể có các căn hộ nhỏ hơn đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc thân hoặc những người có thu nhập quá thấp.

Có ý kiến lo ngại rằng đây sẽ là những khu ổ chuột trong tương lai, nhưng ông Nam chỉ dẫn: thực tế ngay tại thành phố lớn như TP HCM, có những hộ gia đình 24 người chen chúc trong diện tích vỏn vẹn 30m2. Ngay tại KĐTM Đặng Xá của Viglacera có căn hộ 30m2, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ sang mua và hài lòng, giá bán 8,5 triệu/m2. Căn hộ 30m2 giá là 250 triệu đồng, theo quy định người mua phải tự lo khoảng 50 triệu (20%), ngân hàng cho vay 80% là 200 triệu, trả trong 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu tiền gốc, mỗi tháng trả 1,66 triệu đồng, lãi 6% tính trên gốc tổng số tiền đầu tiên.

Như vậy, mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi là 2,66 triệu, những tháng sau gốc giảm thì lãi cũng giảm. Nếu được vay trong 15 năm như một số NHTM công bố, con số trả hằng tháng còn giảm hơn nhiều. Với thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 7 – 8 triệu/tháng thì vay mua nhà trả nợ được

Với những đối tượng chưa có khả năng mua nhà thu nhập thấp dù với căn hộ có diện tích nhỏ nhất, cần có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê.  “Bộ Xây dựng tính toán để các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các chính sách này đã được thể hiện trong nội dung Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã được trình Chính phủ”.

Ông Nam đặc biệt nhấn mạnh: “Chiến lược quốc gia về phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm: Nhà ở của người dân phải được nhà nước, xã hội và mỗi hộ gia đình chăm lo. Nhà nước đang cố gắng lo nhà ở cho người dân, toàn thể xã hội, các doanh nghiệp cần nỗ lực tham gia phát triển quỹ nhà, bản thân mỗi hộ gia đình thì phải cố gắng có công ăn việc làm, có thu nhập, có dành dụm, tiết kiệm để tự lo vấn đề nhà ở cho mình. Có như thế chương trình nhà ở xã hội mới đi vào cuộc sống”./.