Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%.

uutienhang-viet.jpg
Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Ảnh minh họa/TTXVN)

Đề án với trọng tâm là tổ chức nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” phấn đấu đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam;” 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành và tổ chức chính trị-xã hội xây dựng được kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động.

Đề án đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam;” 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam ...

Để đạt được mục tiêu trên, trong số các giải pháp, Đề án đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững sẽ xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam trên thị trường trong nước;

Đồng thời, sẽ tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bán hàng Việt theo hướng bền vững ...

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án trên khoảng 229 tỷ đồng./.