VOV.VN: Nông nghiệp vốn được coi là nền tảng, là trục phát triển quan trọng của nền kinh tế đất nước, nhất là trong giai đoạn kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang ở thời điểm khó khăn nhất. Thế nhưng, những năm gần đây, nền nông nghiệp quốc gia, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL đang có những dấu hiệu cho thấy “trụ cột” này đang bị “lung lay”.

Chính vì thế, việc nhìn nhận đúng thực trạng và đưa ra những giải pháp hợp lý để nông nghiệp phát triển bền vững đang là một yêu cầu bức bách trong gian đoạn hiện nay ở nước ta.

Trong loạt bài “Hoạch định chiến lược dài hạn cho lĩnh vực nông nghiệp”, phóng viên VOV thường trú khu vực ĐBSCL sẽ phân tích thực trạng, điểm nghẽn của lĩnh vực nông nghiệp, điển hình là vấn đề cây lúa vùng ĐBSCL.

Năm nào lúa trúng mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Có lẽ, điệp khúc này đã gần như trở thành quy luật khắc nghiệt đối với người nông dân ĐBSCL.

Vụ lúa Đông Xuân 2013-2014 lại là một vụ lúa trúng lớn. Tại nhiều địa phương trong khu vực đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, năng suất lúa bình quân đạt gần 7 tấn/ha, có nơi đạt 10 tấn/ha.

Thế nhưng, niềm vui trúng mùa chưa xong thì nỗi buồn mất giá lại đến. Vào thời điểm thu hoạch rộ như những ngày đầu tháng 3 vừa qua, giá lúa giảm đến mức người dân không còn lợi nhuận sau mấy tháng ròng vất vả với cây lúa.

hinh%201%20bai%201.jpg

Lúa trúng mùa, nông dân đợi thương lái thu mua như nắng hạn chờ mưa.

Nhiều nông dân ở khu vực ĐBSCL than thở, lúa thu hoạch xong không thể bán được. Thương lái ép giá với lý do lượng lúa gạo mua dự trữ đã quá nhiều, nếu chấp nhận bán cho thương lái với giá thấp, người dân sẽ chịu lỗ nặng.

Nhiều người dân lại cho biết, mặc dù bây giờ giá lúa xuống thấp không bán được, tuy nhiên những khoản tiền nợ vật tư, giống, phân bón người dân vẫn phải trả lãi mỗi ngày. Những người dân ĐBSCL đều có chung mong muốn nhà nước sớm có chính sách, giải pháp làm tăng giá lúa.

Mới đây, từ ngày 15/3 vừa qua, chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai, kéo dài đến cuối tháng 4 tới. Vài ngày sau khi triển khai giá lúa có nhích lên đôi chút. Thế nhưng việc mua tạm trữ cũng chỉ có thể giải quyết phần ngọn của vấn đề.

Bởi hiện nay, đầu ra cho doanh nghiệp mua tạm trữ vẫn mịt mờ. Tình hình xuất khẩu có xu hướng ngày càng xấu đi, việc mua tạm trữ một cách cứng nhắc trong giai đoạn khó khăn về đầu ra, đặc biệt là đầu ra dài hạn chưa có dấu hiệu khả quan sẽ có thể dìm gạo xuất khẩu xuống thấp hơn. Và như vậy, thu nhập của người nông dân không mấy khả quan.

Phân tích của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, việc bất ổn chính trị ở Thái Lan cũng đã ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo thế giới mà hệ lụy là giá gạo giảm, trong nước đời sống người nông dân gặp khó.

Trong khi đó những khách hàng truyền thống của Việt Nam như Malaysia, Philippines vẫn chưa đặt vấn đề mua gạo. Việc mua tạm trữ như hiện nay nếu chỉ để giải quyết đầu ra cho nông dân thì sẽ tăng gánh nặng lên giá xuất khẩu khi lượng tồn kho tăng.

“Thái Lan bán gạo ra nhiều với giá rẻ chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Theo phán đoán ngay từ đầu năm, giá lúa vụ Đông Xuân này khó có thể bằng thời điểm năm 2013. VFA luôn đặt mục tiêu làm thế nào để nông dân không bị lỗ, trong khi tháng 3 và tháng 4 là thời gian thu hoạch trọng điểm và sản lượng gạo ĐBSCLcó thể tăng lên 2 triệu tấn gạo”, ông Phong cho biết.

ĐBSCL được đánh giá là vựa lúa quốc gia với sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Đến thời điểm này, khi vụ lúa Đông Xuân ở một số nơi cá biệt đã thu hoạch lên đến 10 tấn/ha, có thể đã đạt ngưỡng cao nhất trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, người nông dân sản xuất trên vựa lúa quốc gia vẫn vất vả, xót xa nhìn hạt lúa làm ra với phận “ba chìm bảy nổi”, liên tục đối mặt với tình cảnh “được mùa mất giá”.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh: Được mùa mất giá luôn là điệp khúc tại ĐBSCL khiến nông dân luôn là người khó khăn nhất. Đây là vấn đề lớn ở ĐBSCL cần phải được nhà nước can thiệp và nghiên cứu kỹ với những biện pháp chủ động trong tạm trữ, thu mua để giá ổn định đầu vụ đến cuối vụ.

Thời điểm này, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 700.000 ha lúa Đông Xuân. Dự kiến trong tháng 4 sẽ thu hoạch dứt điểm trên 1,6 triệu ha. Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia, tình hình xuất khẩu gạo vẫn đối mặt nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, giải quyết đầu ra tiêu thụ sản phẩm từ cây lúa, đảm bảo mức lợi nhuận cho người nông dân đang là vấn đề lớn mà Đảng, Nhà nước có sự quan tâm đặc biệt. Trong đó, việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện nay đang cho thấy hướng phát triển bền vững trong sản xuất lúa./.