Như tin đã đưa, ngày 15/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội nghị về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ: NN&PTNT, Công Thương, Khoa học và công nghệ, Ngân hàng nhà nước, các thành viên Hiệp hội lương thực Việt Nam cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa gạo hàng hóa vùng ĐBSCL trong cả năm nay khoảng 8,6 triệu tấn, riêng vụ Đông Xuân chiếm tới 4,3 triệu tấn gạo. Trong tháng 3 và tháng 4 tới vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 3,2 triệu tấn gạo.
Vấn đề đặt ra hiện nay là thị trường gạo thế giới đang diễn biến khó lường trước thông tin Thái Lan chủ trương giải phóng lượng gạo tồn kho lên tới 20 triệu tấn. Ngay từ đầu tháng 3 này, giá lúa cũng đã giảm từ 400-500 đồng/1kg, giá gạo chào xuất khẩu của doanh nghiệp cũng giảm mạnh, một số thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đang chững lại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. |
Trước tình hình này, các bộ liên quan cùng các địa phương đề xuất nhiều biện pháp cả cấp bách trước mắt cũng như lâu dài liên quan đến kiến nghị khắc phục những vướng mắc về cơ chế, thủ tục xuất khẩu, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ giống, vốn để chuyển đổi cây trồng; hỗ trợ tín dụng sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trong đó Ngân hàng Nhà nước cam kết dành khoảng 8 nghìn tỷ đồng với tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đang chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn các loại giống lúa chất lượng cao cũng như xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất lúa gạo toàn diện, hiệu quả và bền vững. Đến nay các địa phương ĐBSCL đã đăng ký chuyển đổi 110 nghìn ha vụ hè thu sang trồng bắp, mè, đỗ tương…Vấn đề là chuyển đổi loại cây nào đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khuyến cáo, thị trường dành cho các sản phẩm ngô hiện nay đang rõ ràng nhất. Năm 2013, Việt Nam đã phải nhập khẩu 2,3 triệu tấn ngô hạt. Nếu các địa phương chuyển đổi 110.000 ha sang trồng ngô chỉ tăng cung khoảng 600.000 tấn nhưng chi phí sản xuất và giá ngô tương đương với giá lúa. Do vậy, các địa phương chủ yếu tập trung vào trồng ngô căn cứ trên điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, nơi nào người dân làm có lợi hơn sẽ được khuyến khích, hỗ trợ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nông nghiệp là nền tảng, là trục phát triển, là trụ đỡ trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mặc dù nhiều năm qua nông nghiệp liên tục tăng trưởng toàn diện nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại, thu nhập của người dân cũng giảm theo, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính theo Thủ tướng là chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán lại thấp, kéo theo thu nhập của người dân thấp, năng suất lao động trong nông nghiệp chậm được cải thiện. Tái cơ cấu lại nông nghiệp hay nói cách khác là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao hơn và bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo, hỗ trợ ứng dụng mạnh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi liên kết, hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích: Tổ chức lại quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, gắn người nông dân với doanh nghiệp. Trong chuỗi sản xuất gắn người nông dân trong chuỗi tiêu thụ. Với Mô hình kinh tế hộ đã đạt được kết quả tốt và phát huy tối đa động lực, tăng sản xuất tiêu thụ như vừa qua, nhưng đến nay gần như các vai trò lịch sử kinh tế hộ phải chuyển sang giai đoạn mới.
“Quan hệ sản xuất theo kiểu kinh tế hộ không còn phù hợp nữa, phải tiến lên một bước là lấy hộ là trung tâm, lấy người nông dân là trung tâm là chủ thể, nhưng đòi hỏi phải liên kết, phải hợp tác từ các khâu như giống, làm đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu cho tới thu hoạch. Cần hình thành chuỗi sản xuất từ thu mua cho tới bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Nếu chuỗi sản xuất này bị phân tán, hộ nông dân tự làm như vừa qua sẽ không cải thiện được tình hình. Do đó không đổi mới khâu này thì nông nghiệp sẽ tiếp tục không phát triển mạnh được”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ một yếu tố quan trọng nữa trong tái cơ cấu nông nghiệp là phải có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn, không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển mà còn chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động trong lĩnh vực này.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách cả về tài chính, tín dụng và xã hội nhằm tiếp tục hỗ trợ tối đa cho nông nghiệp, nông thôn phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội tại khu vực nông thôn, đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo, đặc biệt tại khu vực nông thôn.
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của các bộ, địa phương, hiệp hội và doanh nhằm khắc phục những khó khăn trong bối cảnh sản lượng lúa gạo thì tăng cao nhưng giá thành thì giảm và xuất khẩu cũng đang chững lại.
Đồng ý chủ trương cho phép các địa phương đăng ký giảm diện tích sản xuất lúa, Thủ tướng lưu ý trước hết giảm các diện tích năng suất trồng lúa thấp sang trồng hoa mầu, nuôi trồng thủy sản có thị trường và hiệu quả cao hơn, đồng thời phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là quan tâm phát triển giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: ĐBSCL đã là vựa lúa của cả nước, cây ăn quả, có thế mạnh về cây giống, cần nhân rộng từ việc các Hiệp hội đặt hàng để đem phân phối, hỗ trợ tới người dân, có thể hỗ trợ miễn phí. Cây con giống là vấn đề đặc biệt quan tâm, cần đặc biệt đầu tư. Bộ NN&PTNT cần chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học, Bộ Tài Chính, đề xuất cơ chế, nhân rộng giống lúa ĐBSCL, làm sao để giảm diện tích nhưng sản lượng, tổng giá trị bán ra vẫn cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương sớm xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam; hỗ trợ tối đa để ĐBSCL đi đầu cả nước trong nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp cũng như đưa doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Bộ NN&PTNT cùng các địa phương thống nhất cơ cấu lại sản xuất mùa vụ hiệu quả và phù hợp với thị trường.
Thủ tướng cũng đồng ý thu mua tạm trữ lúa gạo ngay từ ngày hôm nay, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30%. Bộ Công thương tích cực đàm phán ký kết các hợp đồng xuất khẩu gắn tăng cường, mở rộng thị trường xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch. Hiệp hội lương thực cũng như các doanh nghiệp cũng phải tích cực tìm kiếm thị trường nhưng không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu gạo dứt khoát phải gắn kết với người trồng lúa. Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp phải đủ số vốn, thời gian và kịp thời, đồng thời tính toán cơ cấu lại nợ trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bát thủy sản, dứt khoát không để ngư dân phải vay nặng lãi để bám biển.
Ngay trong tuần tới Ngân hàng nhà nước áp dụng ngay mức lãi suất cho vay ngắn hạn cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…/.