Hàng chục năm qua vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ đã gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu lũ lớn. Trong đó, từ những tác động của tự nhiên và sự can thiệp của con người, nhiều công trình hạ tầng về thủy lợi, giao thông ở vùng cuối nguồn đã không còn phù hợp với chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là vấn đề lớn, mang tính chất cấp thiết.

Vùng Tứ giác Long Xuyên rộng gần 489.000 ha. Đây là vùng sản xuất lương thực quan trọng của cả nước, có diện tích lúa khoảng 350.000 hecta, chiếm 25% diện lúa của cả ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang, sản xuất nông nghiệp, thủy sản của vùng Tứ giác Long Xuyên thời gian gần đây bắt đầu bộc lộ những khó khăn, rủi ro. Một số công trình với mục tiêu kiểm soát lũ được đầu tư trước đây nay không còn phù hợp so với thiết kế ban đầu do những năm gần đây, mực nước lũ thấp.

dap_tha_la_copy_mwao.jpg
Đập Tha La tại tỉnh An Giang hiện không đảm bảo cho công tác vận hành phòng chống, điều tiết nước lũ

Ông Thư nêu rõ, tại đập Tha La, Trà Sư nằm trên địa bàn tỉnh An Giang, nay xuất hiện nhiều vết nứt, không đảm bảo cho công tác vận hành phòng chống, điều tiết nước lũ. Nhiều tuyến đê bao khác trong vùng có nền yếu, thiếu an toàn trong sản xuất vụ Thu Đông. Hoặc như ở vùng Bảy Núi khô hạn, phải đưa nước vào cho 20.000 ha cùng với chuyển đổi mùa vụ ngoài lúa…

Chính vì thế, hiện nay việc quản l‎ý lũ là vấn đề đặt ra thay vì nhiệm vụ đề cao công tác dự báo, cảnh báo lũ tại vùng Tứ giác Long Xuyên như trước. Do vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên cho lâu dài là nhu cầu bức xúc để sản xuất nông nghiệp bền vững.

Còn đối với Kiên Giang, một trong 3 địa phương thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên, ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng dự án phát triển lâu dài vùng Tứ giác Long Xuyên phải tập trung giải quyết ba vấn đề là thoát lũ, nguồn nước và ngăn mặn chung.

Ông Trần Quang Củi phân tích cần có vai trò “nhạc trưởng” chung từ Trung ương. Bởi thực tế cho thấy kết cấu sản xuất của tỉnh An Giang là tiếp nhận lũ, khác với tỉnh Kiên Giang là thoát lũ, xâm ngập mặn nên việc vận hành đóng mở cống, đập cũng khác nhau.

“Sản lượng lúa của các địa phương Kiên Giang nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên mỗi năm là 2 triệu tấn. Quan trọng nhất bây giờ là nguồn nước cho sản xuất và ngăn mặn. Vấn đề cần quan tâm là nguồn nước của sông Hậu chuyển về phục vụ cho sản xuất. Do đó, cần phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Tây nam bộ, tập trung những vấn đề lớn như thoát lũ, nguồn nước, ngăn mặn chung cho cả vùng,” ông Củi nói.

Nước lũ mang phù sa về ĐBSCL sẽ giảm mạnh hơn so với trước đây do tác động từ thượng nguồn

Mới đây, tại buổi làm việc giữa các địa phương có liên quan với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã nêu rõ trước tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL đòi hỏi phải sớm hoàn thiện “Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên”. Bởi đây là dự án đã được Chính phủ giao thực hiện từ tháng 1-2016, với số vốn sơ bộ cần có trên 3.600 tỉ đồng.

Ông Trần Quang Hoài nêu rõ: “Việc triển khai đề án này là cần thiết trong điều kiện bất lợi như hiện nay, nhất là những tác động của biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn.”

Trong chuyến công tác tại ĐBSCL mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận chủ trương xây dựng Dự án cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên phục vụ các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ. Đây là tiền đề rất quan trọng để các địa phương liên quan tiến hành Dự án mang tính cấp bách này. Qua đó, chủ động trong xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ trữ nước ngọt, ngăn mặn phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh khó khăn như hiện nay./.