Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã chính thức bắt đầu khi Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% với các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất. Quyết định của ông Donald Trump đã thổi bùng không khí căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và đang tác động đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

img_4379_1read_only_1486602007_hkan.jpg
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
Tác động của cuộc chiến này ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu? Theo nhận định của ông  Lê Phú Toàn-Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại xuất nhập khẩu THT Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc là 2 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu nhất nhì thế giới. Do vậy, khi cuộc chiến thương mại xảy ra sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới Việt Nam.

Về mặt tích cực, cơ hội cho hàng Việt Nam xâm nhập vào thị trường Mỹ là rất lớn, các doanh nghiệp nên nhân cơ hội này để mở rộng thị trường sang Mỹ bởi doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá cả với những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.

Ở chiều ngược lại, ông Toàn lo ngại, do một lượng hàng rất lớn không xuất khẩu được bởi những rào cản của Mỹ đưa ra, Trung Quốc sẽ phải tìm cách giải phóng lượng hàng tồn này đến các quốc gia mà nước này có ưu thế cạnh tranh để tiêu thụ hàng hóa. Do vậy sẽ gây ra hiện tượng phá giá và bóp méo thị trường, ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm trong nước.

Để ứng phó với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ông Toàn cho biết, Công ty sẽ đẩy mạnh việc chăm sóc khách hàng, mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh để tăng uy tín, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tăng sức cạnh tranh.

Bên cạnh những tác động có thể xảy ra của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ông Lê Phú Toàn cũng nhận thấy cơ hội mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam: “Việt Nam là quốc gia có nhiều thế mạnh, đặc biệt là những ngành như, nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội có một không hai để mở rộng thị trường vào Mỹ nhưng cũng là thách thức không nhỏ vì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ”.

Theo ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm của doanh nghiệp thuộc Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự tác động của cuộc chiến tranh thương mại này.

Các rào cản về thuế quan từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc sẽ làm cho sản phẩm Việt Nam mất lợi thế, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường do giá bán sản phẩm cao, không thể tiếp cận được đối tượng tiêu thụ tại hai thị trường đối đầu trực tiếp cũng như các thị trường mà sản phẩm đó đang hiện diện.

Điều này khiến quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thu nhỏ, thậm trí đóng cửa nếu không tìm được thị trường mới để duy trì, phát triển.

Trước tình hình như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hiệu quả và có vị trí xứng đáng tại các thị trường này? Theo ông Thành, để biến thách thức thành cơ hội, doanh nghiệp Việt cần tiếp cận nhanh các mặt hàng mà Mỹ và Trung Quốc đưa vào cuộc chiến tranh thương mại; Nắm rõ các tiêu chí, yêu cầu về phẩm cấp chất lượng, giá thành, quy định, điều kiện về hoạt động xuất, nhập khẩu tại mỗi thị trường; Xác định tập quán khách hàng của mỗi sản phẩm tại các thị trường đó. Đồng thời, chủ động tìm kiếm các nhà cung ứng mới tại các thị trường khác có lợi thế cạnh tranh tốt hơn, điều chỉnh, từng bước thay đổi công nghệ sản xuất cho phù hợp, hướng đến làm chủ thị trường ngay cả khi cuộc chiến tranh thương mại này kết thúc.Về phía doanh nghiệp Phúc Lâm, ông Phạm Ngọc Thành chia sẻ: “Doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu nông sản vào Mỹ và Châu Âu trong thời gian tới đây. Do vậy, khi cuộc chiến tranh thương mại này xảy ra, nền kinh tế thế giới sẽ có những điều chỉnh cụ thể để thích nghi. Từ thực tế đó, doanh nghiệp sẽ chủ động theo dõi sát sao những tác động của cuộc chiến tranh này đến ngành hàng và thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu đã xây dựng cho phù hợp với các điều kiện thực tiễn đã thay đổi”. 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cuộc chiến dài hơi và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, do vậy, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá của đồng USD và Nhân dân tệ để có ứng phó kịp thời.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam khẩn trương tìm hiểu thị trường Mỹ, đặc biệt là với các loại hàng hoá trong danh mục bị áp thuế để tìm cơ hội đa dạng hoá danh mục xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư FDI lớn tại Trung Quốc để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam khi thị trường Trung Quốc và Mỹ đều bị ảnh hưởng./.