Sau một chu kỳ giảm giá kéo dài, một vài thay đổi trong tháng nắng nóng đã tạo nên chuyển biến về cục diện giá cả chung. Giai đoạn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp có thể đang qua đi, khi nhiều toan tính tăng giá đang dần hiện thực.

Từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt, NDHMoney cho rằng CPI tháng 6/2013 có thể tăng trở lại, nhưng ở mức rất thấp, dưới 0,1%.

Với kết quả này, các mốc so sánh khác cũng đã thay đổi theo hướng tăng lên. Cụ thể là so với cuối năm ngoái, CPI tháng này dự kiến tăng ở mức 2,4%, cao hơn không nhiều so với cách đây một tháng; so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 6,7%, từ mức 6,36% trong tháng trước.

Nếu kết quả này hiện thực, diễn biến CPI theo tháng đang ở dạng lượn sóng, với các giá trị của 4 tháng gần đây đều quay quanh mốc 0%, nhưng biên độ giảm và tăng không nhiều.

Xét trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay vẫn khó khăn cả ở phía cung và phía cầu, sự ổn định của giá cả, xét theo chỉ số CPI, chưa chắc đã là đáng mừng. Cảnh báo tăng giá đang được phát đi với nhiều diễn biến tăng giá có lẽ là kỳ họp Quốc hội, đang diễn ra và sẽ kết thúc trong ít ngày tới.

Về các chỉ tiêu tiền tệ, cầu có biểu hiện được cải thiện khi tổng phương tiện thanh toán đã tăng 5,46% so với cuối năm 2012, tính đến cuối tháng 5/2013.

Trong khi đó, tín dụng nền kinh tế cũng đã bứt khỏi giai đoạn suy giảm, tính đến cuối tháng 5 đã tăng 2,98%, trong đó, tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%.

Ngược lại về phía cung, tăng trưởng chưa thấy biểu hiện cải thiện đáng kể. Qua giai đoạn cầu thấp liên tục từ cuối năm ngoái, sản xuất đình đốn ở nhiều “mặt trận”, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo và bán buôn bán lẻ...

Xu hướng cải thiện cầu, xét qua góc độ cung ứng tiền tệ, còn cung vẫn tiếp tục ảm đảm tạo sức ép lên giá cả. Điều này được giảm nhẹ khi mà sức mua vào nền kinh tế khá chậm khi kênh đầu tư và sản xuất kinh doanh... đều khá ảm đạm.

Trong khi đó, qua chỉ số giá nhiều tháng gần đây, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giao thông, thuốc và dịch vụ y tế có biểu hiện giảm thấp dần. Lực kìm hãm CPI này đang tỏ ra kém thế so với các yếu tố kéo lên khác.

Giai đoạn nắng nóng vừa qua là điều kiện thuận lợi để các nhóm sản phẩm theo mùa như may mặc, đồ uống giải khát, hay dịch vụ du lịch tăng giá cao hơn. Ngoài ra, ở giai đoạn đầu nghỉ hè của học sinh, sinh viên cũng là lúc sản phẩm sách và vật phẩm giáo dục bắt đầu tăng giá.

Tuy nhiên, tại thời điểm này các thay đổi chưa tạo nên các đột biến. Quan ngại lại đang hình thành ở thì tương lai, với giá điện có thể thay đổi cách tính vào đầu tháng tới với mức điều chỉnh mạnh cho một số ngành sản xuất như sắt thép, xi măng đang còn chưa qua khó khăn.

Tiếp theo, giá nước sinh hoạt cũng có thể được điều chỉnh, giá than bán cho điện đang “căng” cung là rủi ro lên giá cả chung. Còn một nhân tố nữa chờ đón là học phí đang “đếm ngược” đến thời điểm tăng vào đầu năm học tới.

Tóm lại, diễn biến êm ả của CPI đến thời điểm này có thể sẽ là cuối của chu kỳ ổn định, khi việc điều chỉnh giá cả một số mặt hàng nhà nước quản lý đã “lên nòng” chỉ chờ các quyết định thông qua chính thức trong một tương lai gần.

Còn trở lại với diễn biến CPI tháng này, NDHMoney cho rằng CPI các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giao thông và có thể cả bưu chính viễn thông sẽ tiếp tục giảm nhẹ; các nhóm còn lại tăng nhưng không nhiều./.