Những thông tin này được đưa ra tại “Hội nghị triển khai chống thất thu thuế” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều 14/3.

vov_tron_thue1_nntu.jpg
Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì "Hội nghị triển khai chống thất thu thuế”.

Năm 2018, Cục thuế Đà Nẵng thu hồi gần 800 tỷ đồng tiền thuế nợ có khả năng thu, tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp của toàn ngành gần 1.500 tỷ đồng. Để có được kết quả này, ngành Thuế thành phố Đà Nẵng đã ban hành hơn 18.000 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản; gần 1.200 quyết định đình chỉ việc sử dụng hóa đơn do chây ỳ nộp thuế. Đồng thời, đã gửi gần 200 thông báo đến các cơ quan chức năng đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ông Châu Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho biết, tình trạng công chứng gửi, công chứng chờ diễn ra phổ biến khiến số tiền thuế thất thu từ mua bán bất động sản tăng cao.

“Hiện nay, nổi lên tình trạng, một bất động sản chuyển dịch qua rất nhiều lần nhưng thực ra đăng ký nộp thuế có một lần  đến người mua cuối cùng. Không bắt được quả tang, không có chứng cứ từ những người tham gia giao dịch cung cấp hoặc tố cáo thì không làm gì được, vì hợp đồng này bên bán đất họ ký rồi gửi lại công chức viên, cứ như vậy họ lại bán ra”, ông Việt nói.

Số liệu từ Cục Thuế thành phố Đà Nẵng cho thấy, năm 2018, ngành đã thanh tra 24 đơn vị bất động sản, truy thu và xử phạt gần 27 tỷ đồng tiền thuế. Theo ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, tình trạng ký gửi, ký chờ khiến nhà nước thất thu rất lớn, cần xử lý cương quyết hơn. “Người bán ký rồi nhưng người mua chưa ký mà công chứng viên lại nhận việc đó thì cần phải làm rõ. Nếu thực tế có những trường hợp như thế thì rõ ràng công chứng ở đây có dấu hiệu tiếp tay cho việc trốn thuế. Phải xử lý nghiêm, chừng nào công chứng viên không dám nhận việc này thì sẽ không ai dám nộp như vậy nữa. Mong rằng năm nay, việc làm này phải được xử lý quyết liệt, bởi thành phố đang thất thu rất lớn”, ông Trần Văn Miên cho biết./.