Thị trường chứng khoán gần đây chứng kiến một số nhà đầu tư đứng “tốp” đầu thoái vốn, bỏ cuộc chơi, ngành chứng khoán non trẻ đang lao dốc. Trao đổi với phóng viên VOV, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, sự đi xuống của chứng khoán thể hiện "sức khỏe" của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và của nền kinh tế vĩ mô.

PV: Thưa ông, gần đây nhiều nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu để rút khỏi thị trường chứng khoán. Có thể nói thị trường này đang có dấu hiệu lao dốc. Đánh giá của ông về tình trạng này như thế nào?

Ông Bùi Kiến Thành: Tình trạng bán tháo cổ phần, có phần do các đại gia trước kia có phương tiện hoạt động rất tốt, nhưng qua khó khăn mấy năm đã kiệt sức, cho nên phải bán tháo cổ phần để tạo điều kiện để hoạt động tiếp, để bảo vệ tài sản của mình nên lượng bán ra nhiều.

buikienthanh_ok.jpg
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành (Ảnh: phunutoday.vn)

Vấn đề thứ hai là thị trường chứng khoán của Việt Nam là thị trường ảo, có một số người làm giá đẩy lên. Khi đẩy lên mức nào đó thì bán ra – điều đó rất nguy hiểm cho thị trường. Thứ ba là tình hình kinh tế của Việt Nam cũng gặp khó khăn, không có lý do gì để hoạt động của chứng khoán phản ánh ngược với chiều hướng phát triển của nền kinh tế, trong khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp khó khăn thì cái đó đi ngược thông lệ thị trường chứng khoán.

Có thể nói việc bán tháo cổ phiếu lần này xuất phát từ các đại gia gặp khó khăn nên bán tháo, và xuất phát từ việc làm giá đến đỉnh nên xả hàng.

PV: Việc nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi thị trường sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế nước ta trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Hiện nay, chúng ta có 2 loại nhà đầu tư chứng khoán: nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Người ta đánh giá nền kinh tế nước ta đang gặp khó khăn, chưa vượt ra khỏi khó khăn nên phải rút tiền đi, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thanh khoản của thị trường chứng khoán.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ thấy thị trường chứng khoán xuống thì đầu tư gián tiếp từ nước ngoài sẽ có vấn đề, trừ phi những công ty đầu tư tài chính quốc tế thấy giá cổ phiếu của Việt Nam xuống quá thấp thì nắm bắt thời cơ để mua.

Vấn đề ở đây là trong nền kinh tế Việt Nam bây giờ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không tham gia thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán lên-xuống không ảnh hưởng trực tiếp lớn đối với nền kinh tế, vì thị trường ảo, ảnh hưởng của nó tới hoạt động của nền kinh tế không quan trọng lắm.

PV: Là một thị trường mới, nếu cứ tiếp diễn tình trạng nhà đầu tư rút khỏi thị trường này thì nguy cơ chứng khoán rơi vào khủng hoảng. Vậy theo ông để lấy lại được lòng tin cũng như khôi phục chứng khoán, cần có những giải pháp gì ?

Ông Bùi Kiến Thành: Muốn lấy lại lòng tin của nhà đầu tư chứng khoán thật sự, phải xem có bao nhiêu doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, bao nhiêu doanh nghiệp gặp khó khăn. Người ta nghiên cứu từng doanh nghiệp để đầu tư và phải có những dự án phát triển như thế nào, kế hoạch kinh doanh ra sao. Đặc biệt, phải thông thoáng trong vấn đề thông tin.

Hiện nay, Việt Nam không có thông tin chính xác về hoạt động của các doanh nghiệp. Nếu không chính xác thì không dám đầu tư. Vì vậy, thị trường chứng khoán muốn phát triển thì phải khuyến khích các doanh nghiệp có được những bản báo cáo tài chính, có được phương thức làm việc thông tin đại chúng để tạo lòng tin, lấy lại niềm tin trong nhóm những người tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông !