Ngày 31/10, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến có chủ đề "Vì thị trường lành mạnh" với nhiều nội dung xung quanh "cuộc chiến" chống buôn lậu đang được dư luận quan tâm.

Đại diện Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đều khẳng định, sẽ tập trung quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Ất Mùi sắp tới.

buon_lau_hnol.jpg
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia), sau 7 tháng đi vào hoạt động của Ban Chỉ đạo 389, công  tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có sự chuyển biến tích cực, lực lượng chức năng bắt và xử lý 44.000 vụ với 300 tỷ đồng tiền hàng hóa vi phạm, truy thu thuế 2.500 tỷ đồng. Mặc dù vậy, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt là các hoạt động buôn lậu xăng dầu, ô tô, xuất lậu khoáng sản, thuốc lá điếu... ảnh hưởng đến đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế.

Chỉ tính riêng thuốc lá điếu nhập lậu, dự báo trong năm nay tăng từ 30-40% so với năm ngoái, tương đương trên 22 tỷ điếu, gây thất thu ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, công tác chống buôn lậu hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trước hết là do lực lượng quản lý thị trường còn mỏng; hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo về thẩm quyền của lực lượng chức năng. Trong khi đó phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, sẵn sàng chống trả quyết liệt đối với lực lượng chức năng từ biên giới đến nội địa. Bên cạnh đó, thời gian qua, việc một số địa phương tự ý mở các lối mở cho xuất nhập khẩu tiểu ngạch, gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu.

Ông Nguyễn Trọng Tín nói: “Một số địa phương có các lối mở cho hoạt động tiểu ngạch, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Kể cả những đường mòn lối mở này, lực lượng quản lý thị trường cũng phối hợp với lực lượng biên phòng, lực lượng hải quan và các lực lượng khác ở địa phương để kiểm soát chặt chẽ đường mòn lối mở, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc buôn lậu qua biên giới”.

Một số câu hỏi gửi đến buổi tọa đàm liên quan đến chính sách miễn thuế cho hàng hóa cư dân biên giới 2 triệu đồng/ngày, được cho là đang tạo kẽ hở tạo điều kiện cho đối tượng buôn lậu lợi dụng thuê cư dân biên giới mang vác hàng qua cửa khẩu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, vừa qua, Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét chính sách thuế này, tránh bị lợi dụng. Theo đó sẽ sửa đổi cho phù hợp theo hướng ưu đãi, miễn thuế phục vụ cho đúng điều kiện cư dân biên giới, chứ không để tiếp tay cho buôn lậu.

Trả lời câu hỏi về việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan tác động như thế nào đến công tác chống buôn lậu thời gian tới, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, việc triển khai tự động hóa, điện tử hóa thủ tục hải quan và kê khai thuế bước đầu có hiệu quả.

Trước đây thủ tục hải quan mất 3 tiếng, nay doanh nghiệp thuộc luồng xanh chỉ mất chưa đến 1 phút là được thông quan. Ngoài ra, ngành hải quan tăng cường thiết bị máy soi container và soi hành lý ở các cửa khẩu đường bộ và sân bay…

Do đó, 9 tháng qua, riêng ngành hải quan điều tra bắt giữ 15.000 vụ vi phạm với số thuế truy thu là 7.000 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm tịch thu hơn 300 tỷ đồng. Lực lượng thuế nội địa thanh tra kiểm tra 39.000 cuộc, thu hồi về ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng.

Về công tác chống buôn lậu từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết: “Từ nay đến cuối năm, các ngành, các địa phương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tập trung các nhóm hàng trọng điểm, các địa bàn nổi cộm. Theo đó, ngành Hải quan chỉ đạo các cục hải quan địa phương, lực lượng chống buôn lậu chuyên trách, lực lượng kiểm tra sau thông quan tăng cường kiểm tra kiểm soát đánh trúng đường dây ổ nhóm cũng như ngăn chặn hàng lậu hàng giả, gian lận thương mại”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, “cuộc chiến” này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân./.