Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/9. Nhấn mạnh công cụ thuế góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước, song cần cân nhắc về sự tác động đến xã hội. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng chính sự phối hợp trong công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả nên tình trạng buôn lậu còn nhức nhối, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước .

Thất thu từ “khu phi thuế quan”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, cơ quan thẩm tra đồng tình với với quy định của Dự thảo luật áp dụng thu thuế TTĐB đối với hàng hóa đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống.

Lý do được đưa ra là hiện nay phát sinh tình trạng lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế đối với các khu vực phi thuế quan có cả khu dân cư sinh sống để đưa hàng hóa vào trong khu vực phi thuế quan sau đó được bán trở lại và tiêu dùng trong dân cư, tạo ra sự không công bằng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

lao_bao_2a91d_tugk.jpg

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kiến nghị sửa đổi đối với các sắc thuế khác đang được miễn trong khu phi thuế quan có cả dân cư sinh sống để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định này, vì cho rằng bản chất tên gọi “khu phi thuế quan” là không thu thuế. Công tác chống buôn lậu và công cụ thuế có sự liên thông, nhưng không vì quản lý chưa tốt, gây thất thu mà phải thu thuế.

Đồng tình với báo cáo về việc khó quản lý ở khu phi thuế quan, gây thất thu, nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng “không quản lý được lại thu thuế thì phải cân nhắc”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các quy định cho phù hợp với các cam kết, như WTO cũng như “đạo lý” khi ra đời khu phi thuế quan. Nếu không đảm bảo các yếu tố của khu phi thuế quan thì sao không gọi là khu kinh tế?

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết khu phi thuế quan ra đời là không thu thuế, tuy nhiên với điều kiện phải có hàng rào cứng, không có dân. Thực tế khu phi thuế quan Cầu Treo và Lao Bảo không có hàng rào cứng, có hơn 200.000 dân sinh sống nên khó quản lý, do đó về bản chất chưa thực sự là khu phi thuế quan mà chỉ là khu kinh tế.

Làm hình thức thì khó chống buôn lậu

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, công cụ thuế góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng và thu ngân sách Nhà nước. Luật sửa đổi lần này chỉ điều tiết một số mặt hàng, đối tượng chịu thuế nhưng có tác động lớn đến xã hội nên cần nghiên cứu, cân nhắc.

Thứ trưởng Bộ Công thương băn khoăn, việc thu thuế, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng như thuốc lá, bia, rượu có thể dẫn đến gia tăng buôn lậu, trong khi mỗi năm thất thoát 6.000-6.500 tỷ đồng chỉ do buôn lậu thuốc lá. Ngoài ra nó còn tác động đến doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng “tăng thuế và chống buôn lậu có liên thông nhưng hai việc khác nhau. Cũng không phải tăng thuế lên thì buôn lậu ồ ạt vào” vì công tác phòng chống buôn lậu cần vai trò của các cấp, các ngành.

Nhấn mạnh chính sách thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần coi trọng tuyên truyền để người dân hiểu và thực thi. Còn về công tác chống buôn lậu, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước còn có vấn đề, do đó cần điều chỉnh để hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn.

“Đi chống buôn lậu mà rầm rộ, còi ú thì làm sao được. Nặng về hình thức thì khó, trong khi đối tượng này còn phải theo dõi, có điều kiện căn cứ để xử lý. Do đó cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bộ máy quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của ngành thuế. Phải có cuộc cải cách, trong đó nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói./.