Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo số 341/TB-VPCP truyền đạt ý kiến Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại cuộc họp với Bộ Quốc phòng về công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển. 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh cảnh sát biển phải nhận thức rõ buôn lậu tác động tiêu cực đến nền kinh tế và gắn liền với tệ nạn tham nhũng; xác định công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu là nhiệm vụ thường xuyên để tiếp tục quán triệt sâu rộng đến từng cấp ủy, đơn vị, toàn quân nhận thức rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác này. 

Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, các đường mòn lối mở khu vực biên giới và các vùng biển; phối hợp tốt với các lực lượng chức năng (Hải quan, Công an) để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng buôn lậu. Đặc biệt, lực lượng Bộ đội Biên phòng tập trung phối hợp với lực lượng Công an triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy lớn tại các tuyến, địa bàn trọng điểm (Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình). 

Bên cạnh đó Bộ Quốc phòng rà soát mô hình tổ chức, bố trí cán bộ, chiến sĩ có đủ năng lực, phẩm chất, điều động luân chuyển hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để phòng, chống các biểu hiện tiêu cực; tạo điều kiện về trụ sở, phương tiện, có cơ chế khuyến khích tinh thần và vật chất để động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ, chiến sĩ có vi phạm. Người đứng đầu đơn vị nào để xảy ra buôn lậu trên địa bàn phụ trách phải bị xem xét, xử lý và chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và lực lượng để Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu. 

Phó Thủ tướng cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chống buôn lậu. Làm tốt dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với các lực lượng liên quan để đấu tranh có hiệu quả trên các tuyến, địa bàn và triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm và các loại mặt hàng có thuế suất cao như rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm, xăng dầu, khoáng sản, gỗ...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh cảnh sát biển tăng cường phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển các nước láng giềng nhằm đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu quốc tế; thực hiện hợp tác quốc tế để góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển…

*** Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tăng cường quản lý việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, công trình hạ tầng cơ sở, nghiêm cấm việc quy hoạch bố trí dân cư, xây dựng nhà ở, công trình tại những khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất hoặc ven sông suối gây cản trở dòng chảy thoát lũ.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, các địa phương cần phải tổ chức di dời khoảng 28.600 hộ ra khỏi các khu vực thiên tai, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất của các địa phương, rà soát, lập kế hoạch di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định để tập trung ưu tiên đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra, cập nhật các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án di dời dân cư sống ở khu vực có nguy có cao về lũ quét, sạt lở đất, đá, khu vực ven sông, ven suối, ven sườn đồi núi theo các Chương trình, dự án được phê duyệt; đối với những khu vực chưa tổ chức di dời được cần xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân khi có tình huống mưa lũ.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và thông tin, phải vận dụng, áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù tại địa phương để tổ chức tuyên truyền thường xuyên, thông tin đến từng thôn, bản, từng người dân nhằm nâng cao nhận thức để mỗi người dân biết cách ứng phó khi thiên tai, cung cấp cho người dân đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc do bất cẩn, chủ quan.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai thực hiện Đề án điều tra, đánh giá, phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, chú trọng phân vùng tỷ lệ lớn tại từng địa bàn để phát huy hiệu quả, cập nhật các điểm dân cư vào các bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở chỉ đạo, ứng phó thiên tai; từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt tăng mật độ hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực đông dân cư sinh sống có nguy cơ cao về lũ quét, sạt trượt đất để cảnh báo kịp thời, phục vụ sơ tán dân cư.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hỗ trợ địa phương triển khai có hiệu quả chương trình di dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới thông tin từ trung ương tới cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương và cơ sở./.