Công điện tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên nhiều địa bàn, với thủ đoạn tinh vi và gắn liền với tham nhũng.
Để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các địa phương: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Lại Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, An Giang… để kịp thời phát hiện, đánh đúng, đánh trúng, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm… chú ý các mặt hàng ma túy, vũ khí, pháo nổ, văn hóa phẩm độc hại, tài liệu có nội dung xấu, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, động vật hoang dã và các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên tuyến, địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.
2. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm dịch nhanh các loại hoa quả, đồ uống, thực phẩm, gia súc, gia cầm… đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan có kế hoạch cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí, các đoàn thể phối hợp với Văn phòng Thường trực 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 địa phương, các lực lượng chức năng để phản ánh kịp thời tình hình và kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, công khai kịp thời các vụ việc nghiêm trọng, nổi cộm; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động người dân không tham gia và tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.
5. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thành lập các tổ công tác kiểm tra đột xuất tại một số tuyến, địa bàn trọng điểm; thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đề xuất khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích; phê bình, kỷ luật cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm, làm ngơ hoạc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.
6. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung Công điện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.
Thêm cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trước đó, tại Thông báo số 354/TB-VPCP ngày 30/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Dự án trên được thực hiện cơ chế đặc thù về việc xác định mốc thời điểm thu hồi đất, chủ sử dụng đất, tài sản và hồ sơ quản lý đất đai hiện có làm căn cứ lập phương án bồi thường, tại văn bản 10610/VPCP-KGVX ngày 25/12/2012 và việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tại văn bản 2691/VPCP-KTN ngày 4/4/2013.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các cơ chế, chính sách nói trên với các quy định pháp luật mới được ban hành hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; đề xuất bổ sung đồng bộ các cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Thực hiện ý kiến kết luận nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã thực hiện rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù trên và một số nội dung mới, như: phạm vi áp dụng (cả dự án đất dịch vụ, dự án khớp nối hạ tầng); đối tượng hưởng bồi thường, tái định cư; một số chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất thực hiện giải phóng mặt bằng.
Xét đề nghị của UBND thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội như đề nghị.
Tạm ứng trên 365 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có công
Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, ngân sách nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để sửa chữa khung tường và thay mới mái nhà ở.
Theo quy định, trong năm 2013, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng theo danh sách các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012 (gồm 53 địa phương, số hộ cần hỗ trợ về nhà ở là 72.153 hộ)
Bộ Tài chính cho biết, với 72.153 hộ nói trên, ngân sách trung ương cần bố trí 2.232,075 tỷ đồng. Đến nay, mới bố trí 1.866,5 tỷ đồng, còn thiếu 365,575 tỷ đồng.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ này tạm ứng 365,575 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho các địa phương để hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở các hộ người có công với cách mạng theo danh sách đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính thông báo để các địa phương thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bố trí trong kế hoạch năm 2015 và các năm sau để thu hồi vốn ứng theo quy định.
Ưu tiên kinh phí thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ưu tiên kinh phí năm 2014 và 2015 để thực hiện các đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016.
Thực hiện Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt và tổ chức thực hiện 36 đề tài, dự án xây dựng mô hình. Hiện nay có 13 dự án xây dựng mô hình với tổng kinh phí 43 tỷ đồng thực hiện từ 2014 đến nay chưa có kinh phí để triển khai. Đến năm 2015 kế hoạch kinh phí khoảng 159 tỷ đồng.
Vì vậy, nhằm phục vụ kịp thời cho người dân áp dụng KHCN, xây dựng mô hình nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo 2016-2020, Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ưu tiên kinh phí năm 2014 và 2015 để thực hiện các đề tài thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 theo đúng quy định tại Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm rà soát lại quy mô của các đề tài, dự án; quyết định các nội dung để đầu tư theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời tổ chức đánh giá kết quả thực hiện bước đầu nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.