Là một thành phố công nghiệp nên thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, ngành công nghiệp này của thành phố phát triển rất chậm. Tỷ lệ nội hóa các sản phẩm chỉ đạt khoảng 30%. Mỗi năm, thành phố phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu vật liệu, phụ tùng, linh kiện sản xuất cho các ngành công nghiệp. Vậy vì sao có tình trạng này và giải pháp nào cho công nghiệp hỗ trợ của thành phố phát triển?

ho-tro1_rxys.jpg

 Việt Nam phải có chính sách chuyển đổi công nghệ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Nói đến ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người vẫn nghĩ đến hình ảnh các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ cây kim, sợi chỉ đến cái đinh vít, con ốc, chốt bạc… Và 10 năm qua, việc nhập khẩu những thứ như vừa nêu cũng có gì thay đổi đáng kể. Cụ thể như Tổng công ty Nam Thái Sơn ở quận 2, đơn vị chuyên sản xuất bao bì nhựa và các sản phẩm liên quan đến nhựa, các phụ tùng, linh kiện  để sản xuất đều nhập khẩu đến 80%. Trong khi đó, những phụ tùng, linh kiện này các doanh trong nước  đều làm được. 

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn cho biết: “Chúng tôi nhập những phụ kiện như dây đai, đồng hồ, điện điều khiển, dây kẻ, mực, phụ tùng nhỏ. Những cái này, các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể làm được. Nếu các doanh nghiệp trong nước sản xuất sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu và các chính sách hậu mãi cũng tốt hơn”.

Tổng công ty Nam Thái Sơn là một trong hàng chục ngàn doanh nghiệp của thành phố hiện nay phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu cho sản xuất. 

Để giải quyết khó khăn này, thành phố đã ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư  xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp - giảm 10% trong 15 năm, miễn thuế  4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.   

Điều đáng nói là dù có chính sách ưu đãi thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì phải sản xuất với số lượng lớn, giá cả cạnh tranh, chất lượng hàng hóa ổn định và thời gian giao hàng nhanh, trong khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố phần lớn là công nghệ, máy móc lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hiện công nghiệp  hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo có đến 40% công nghệ dưới trung bình. Còn đầu tư mới, nhiều doanh nghiệp ngần ngại vì ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố rất manh mún, không liên kết, chưa sản xuất được số lượng lớn  để có giá cạnh tranh với các nước trong khu vực. Điều đáng nói nữa là, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của ngành cơ khí chính xác phục vụ  công nghiệp hỗ trợ cũng còn rất hạn chế. 

Ông Hồ Minh  Sơn, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn CSN AMURA  PRECISION kiến nghị: “Chúng ta nên thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí khuôn mẫu để chia sẻ thông tin, liên kết sản xuất giảm giá thành, cạnh tranh thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Chính phủ nên (đứng) làm đầu tàu vấn đề này”. 

Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển không chỉ ảnh hưởng  đến tốc độ, chất lượng phát triển ngành công nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

TheoVăn phòng Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh (JETRO), công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chỉ đáp ứng được gần 32% nhu cầu sản xuất cho các công ty của Nhật, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 53%, Trung Quốc là 64%. 

Theo ông Hirotaka Yasuzum  - Giám đốc điều hành của Văn phòng JETRO tại  thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ tích cực cho ngành công nghiệp này: “Việt Nam phải có chính sách chuyển đổi công nghệ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, cần có chính sách ưu đãi về thuế, nhà nước cần cho hỗ trợ về vốn, lãi suất ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển nguồn nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ”.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn  Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đề xuất thành lập những khu công nghiệp hỗ trợ ưu đãi về giá thuê đất. Qua đó, các doanh nghiệp cũng được giao khoa học công nghệ, thành phố cũng cam kết sẽ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp này”.

Đã đến lúc ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh cần có bước đột phá để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chứ không thể cứ mãi ì ạch làm  gia công, lắp ráp. Có như vậy mới thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố./.