Sau khi không thành công như mong muốn với chủ trương nội địa hóa ngành công nghiệp chế tạo, Chính phủ tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Xét cho cùng trong bối cảnh nước ta hiện nay muốn ổn định và phát triển không thể không quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ. 

Hơn chục năm qua, không thể nói rằng chúng ta đã thành công trong chiến lược nội địa hóa ngành công nghiệp chế tạo. Các công ty nước ngoài đến Việt Nam tận dụng các chính sách ưu đãi nhưng không thực hiện đúng cam kết phát triển công nghiệp hỗ trợ. Kết quả là, tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp chế tạo không được như mong muốn.  Theo lộ trình cam kết khi tham gia sân chơi chung trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Hiệp định Thương mại song phương (AFTA), câu chuyện nội địa hóa đã không còn hợp thời.

Thực ra, chúng ta đã không lường hết được sự thiếu nhất quán giữa cam kết và hành động của các tập đoàn đa quốc gia khi mà chiến lược thị trường của họ vượt quá quy mô của một quốc gia. Chúng ta cũng không đối phó có hiệu quả với những chiêu trò lắt léo của các nhà đầu tư nước ngoài. Và khi mà các chính sách ưu đãi không còn hấp dẫn nữa, những đồng vốn ngoại được ví như những “con bọ điện tử” sẽ tự động rời bỏ để tìm đến những miếng đất mầu mỡ hơn.

cong_nghiep_ho_tro_bzum.jpgCông nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng (ảnh: baocongthuong.com.vn)

Không thành công trong giai đoạn đầu không có nghĩa chúng ta sẽ từ bỏ, bởi với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ có vai trò hết sức quan trọng góp phần ổn định và phát triển kinh tế. Nó được ví như xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay, nước ta phải đối mặt với một loạt thách thức. 

Trước hết là bối cảnh, khi chúng ta đã tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa một cách sâu rộng. Điều đó có nghĩa là các chính sách bảo hộ ngành sản xuất nội địa trong giai đoạn trứng nước đã không còn được phép. Đây là một thách thức rất lớn. Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc gia rất thành công trong phát triển công nghiệp chế tạo đã từng có chính sách đóng cửa để  bảo hộ cho đến khi công nghiệp hỗ trợ hình thành và phát triển bền vững. Thách thức tiếp theo phải kể đến là hậu quả của những lỗ hổng quản lý kinh tế vĩ mô trong thập kỷ vừa qua. 

Bất động sản phát triển quá nóng như những khối u hút quá nhiều nguồn lực và không dễ xử lý trong ngắn hạn và trung hạn. Và thị trường chứng khoán  thiếu chuyên nghiệp đã để lại một tư duy ăn xổi trong quản trị doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh ấy, phát triển công nghiệp hỗ trợ trợ cần một cách tiếp cận khác, với những mục tiêu cụ thể hơn đó là sản xuất sản phẩm ngách cho thị trường ngách. Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, gia công và lắp ráp là những khâu tạo giá trị gia tăng ít. Trong khi với một sản phẩm tiêu dùng như hàng điện tử hay ô tô, xe máy, với hàng trăm linh kiện, khâu sản xuất chi tiết nào cũng tạo ra giá trị gia tăng. Nhưng để chế tạo một linh kiện nhỏ cung cấp cho chuỗi sản xuất toàn cầu ấy không hề đơn giản. Để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, một doanh nghiệp không chỉ đủ khả năng công nghệ sản xuất ra một sản phẩm tốt mà còn phải làm với giá thành thấp. Và hơn thế nữa doanh nghiệp ấy phải đủ năng lực quản trị để sản xuất ra những sản phẩm luôn tốt với giá thành luôn cạnh tranh. Đây chính là thách thức với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã bị tiếng chỉ giao hàng lần đầu tốt, những lần sau không biết thế nào.

Khi mà 97% các doanh nghiệp nước ta là vừa và nhỏ, khả năng công nghệ và vốn hạn chế, làm đối tác trực tiếp của một công ty đa quốc gia là ít khả thi. Khả dĩ hơn, phải bắt đầu từ làm đối tác với một doanh nghiệp vòng ngoài cung ứng linh kiện cho một tập đoàn đa quốc gia. Những mục tiêu này có quá khiêm tốn không? Với xuất pháp điểm như hiện nay, cách tiếp cận này, mục tiêu như vậy là phù hợp. Công nghiệp hỗ trợ là xương sống của nền kinh tế và nó chỉ bền vững khi được tạo dựng từ từng đốt xương vững chắc./.