Tác động lan tỏa của vốn FDI còn yếu

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – nội địa”, sáng 26/3, GS, TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội (NEU) đánh giá: Tăng trưởng mà Việt Nam có được sau đổi mới chủ yếu là do đóng góp của các nhân tố theo chiều rộng (lao động rẻ, vốn và tài nguyên). Sau suy giảm kinh tế năm 2009, dường như dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng đã không còn. Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ tăng trưởng chậm, do vậy Việt Nam cần khởi tạo động lực tăng trưởng mới nhằm nâng cao giá trị bên trong để tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

ngabaphatrien.jpg

Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng cường liên kết các doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI sẽ tạo động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong giai đoạn mới.

Để làm được điều đó, GS Trần Thọ Đạt cho rằng, chỉ có thể thực hiện được thông qua việc chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động, chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, dựa các lợi thế so sánh bậc cao bao gồm: lao động chất lượng cao, nguyên liệu tinh tế, vốn lớn, công nghệ hiện đại và sức mua cao. Đặc biệt, cần tăng cường liên kết các doanh nghiệp nội địa với tập đoàn đa quốc gia là một trong những hướng đi đúng đắn để đạt mục tiêu này.

Còn TS Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới vào năm 1986, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế những năm đầu thập kỷ 1990, Việt Nam trở thành điểm thu hút FDI khá hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới. Giai đoạn từ 1988-2013, dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng đều trong dài hạn và biến động nhỏ trong ngắn hạn. Đặc biệt, số lượng vốn FDI tăng đột biến giai đoạn 2006-2008 phản ánh tình hình tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới cũng như mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Giám cũng chỉ ra rằng, do khủng hoảng tài chính cuối năm 2008, hầu hết các dự án đã rút vốn hoặc chậm tiến độ. Tỷ lệ vốn thực hiện trong năm 2008 chỉ đạt 16% là mức thấp nhất ghi nhận được. Từ 2009-2013, so với các nước trong khu vực, chất lượng FDI vào Việt Nam thấp hơn khá nhiều; liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa còn yếu. Do đó, tác động lan tỏa của FDI đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn hạn chế.

Vì thế, theo ông Giám, vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam cần nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và tăng cường các mối liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa nhằm tạo ra giá trị nội tại để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Có như vậy, Việt Nam mới có thể rút ngắn được khoảng cách tụt hậu so với các nước và tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia Mỹ La tinh, Đông Nam Á đã gặp phải.

Chi phí không chính thức cao, môi trường đầu tư giảm hấp dẫn

Theo GS Trần Thọ Đạt, hiện tại, Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn trong thu hút FDI. Lào, Myanmar, Campuchia... đang nổi lên là những đối thủ cạnh tranh mới của Việt Nam. Đơn cử, năm 2013, có 54% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác mà chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar... Trong khi đó, con số này của năm 2011-2012 chỉ là 32%. Chứng tỏ, Việt Nam không còn là điểm đến ưu ái nhất với các nhà đầu tư quốc tế như trước.

Việt Nam hiện có nhiều điểm yếu so với các nền kinh tế là đối thủ như: chi phí không chính thức cao, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy định pháp luật còn chưa đầy đủ, minh bạch, chất lượng dịch vụ công và chất lượng cơ sở hạ tầng chưa thực sự hỗ trợ kinh doanh.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với Campuchia và Lào, song tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật còn bị đánh giá thấp hơn 2 quốc gia láng giềng này. Nhóm nghiên cứu của NEU còn dẫn nhận định của VCCI cho biết, tham nhũng đang làm hủy hoại sự tôn trọng của doanh nghiệp đối với pháp luật. Bởi người dân và doanh nghiệp thường liên tưởng việc phải tuân thủ pháp luật là bị đòi hối lộ, hơn là vì lợi ích chung của xã hội.Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới 

Nhóm nghiên cứu của NEU đề xuất Việt Nam có thể tham khảo 5 hình thức liên kết và tác động lan tỏa của DN FDI với các DN nội địa: Liên kết ngược với nhà cung cấp thông qua thuê ngoài; Liên kết xuôi với khách hàng, trong đó, mối liên kết quan trọng nhất là kết nối với mạng lưới phân phối. Các tập đoàn đa quốc gia chính là khách hàng và mở ra thị trường rộng lớn cho các DN vừa và nhỏ; Liên kết với đối thủ cạnh tranh. Cạnh tranh là động lực cơ bản cho sự đổi mới và học hỏi công nghệ; Liên kết với đối tác công nghệ; Các tác động lan tỏa khác.

Với thực trạng hiện nay, GS Kenichi Ohno, chuyên gia nghiên cứu về chính sách công nghiệp với 14 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để tránh bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục trở thành quốc gia có thu nhập cao trong tương lai... Việc tập trung nỗ lực hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân để tạo ra giá trị nội địa cần được thực hiện bằng việc tận dụng lợi thế quy mô lớn trong sản xuất của khu vực FDI mà Việt Nam đã đạt được...”.

GS Kenichi Ohno gợi ý rằng, Việt Nam cần thực hiện liên kết của 5 thành phần chính sách, gồm: Chiến lược FDI Marketing, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI – nội địa, dịch vụ hầu cần hiệu quả và nguồn nhân lực công nghiệp.

Đặc biệt, GS Kenichi Ohno đề xuất rằng, muốn chính sách thực hiện có hiệu quả, cần so sánh trên tầm quốc tế để xác định địa phương nào sẽ thực hiện chính sách đó một cách hiệu quả nhất; phải so sánh, mở rộng quy mô dự án thí điểm; thực hiện phong trào năng suất quốc gia; và cấu trúc chính sách phải bao gồm tầm nhìn, mục tiêu, lĩnh vực chính sách, kế hoạch hành động và giám sát. Các phương pháp đã được thực thi và đem lại những kết quả đáng ghi nhận ở các nước khác./.