Năm 2013, trong bối cảnh, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhưng tại Việt Nam nguồn vốn FDI vẫn tăng và là điểm sáng.  Phóng viên VOV online phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về vấn đề này.

** PV: Thưa Bộ trưởng, trong năm 2013, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng về số lượng cũng như chất lượng. Xin Bộ trưởng phân tích nguyên nhân đạt được kết quả này?  

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Năm qua, Việt Nam và thế giới đều phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Kinh tế thế giới bị suy thoái, nợ công ở Châu Âu, cùng các vấn đề khác liên quan, khiến các tập đoàn và doanh nghiệp lớn ở các quốc gia này cũng gặp khó khăn.

Việt Nam, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức về lạm phát, những bất ổn về kinh tế vĩ mô. Nhưng một trong những điểm sáng rõ nét nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2013 đó chính là thu hút đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam (FDI). 

bt-bui-quang-vinh-trong.jpg
Bộ trưởng Bùi Qung Vinh
Đây là cố gắng của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu do chúng ta đã từng bước ổn định được kinh tế vĩ mô. Năm 2013 là năm Việt Nam tiếp tục khẳng định kinh tế vĩ mô của đất nước được ổn định bằng các chỉ số về CPI ở mức 6%, thị trường tiền tệ ổn định và tương lai của Việt Nam trong những năm tới bắt đầu có những bước đi rõ nét hơn.

Thứ 2, do cách xúc tiến đầu tư của chúng ta đã có nhiều đổi thay so với trước đây. Trước kia, chúng ta tổ chức các hội nghị lớn ở trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư. Nhưng năm 2013, điểm thay đổi căn bản là Bộ KHĐT cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ, và được sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và tiếp cận những tập đoàn lớn, tập đoàn đa ngành có những sản phẩm có sức cạnh tranh ở thị trường khu vực và toàn thế giới. Như Tập đoàn Samsung, chúng tôi đã tiếp cận và cùng với họ giải quyết những vướng mắc về đất đai, thủ tục cấp phép và cơ chế ưu đãi.

Cách tiếp cận này đã thu hút được nhiều dự án lớn trong năm 2013, mỗi dự án giá trị từ 1,5 đến 2 tỷ USD. Đặc biệt, họ giải ngân rất nhanh, tạo ra những sản phẩm có giá trị và xuất khẩu tăng lên.

Một cách làm nữa là tiếp tục lắng nghe ý kiến từ Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua diễn đàn VPF (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) để đổi mới, cải tiến thủ tục. Các cơ chế chính sách để tạo môi trường thu hút đầu tư kinh doanh được chúng tôi đổi mới hơn những năm trước. Các địa phương rất tích cực, hăng hái, tạo mọi điều kiện cải cách thủ tục hành chính, có thể tạo ra cạnh tranh, thư hút chính. Với việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, cách tiếp cận mới trong xúc tiến đầu tư, Việt Nam đã tạo ra một kết quả rất bất ngờ.

Dù khó khăn nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng từ 10 đến 15%. Năm 2013, vốn FDI đăng ký tăng lên 5,4% so với 2012. Với mục tiêu thu hút chỉ khoảng 13 - 14 tỷ USD và cao nhất là 16 tỷ USD, nhưng thực tế vượt xa, đạt tới gần 22 tỷ USD. Điều quan trọng hơn, trong số vốn FDI đó, đã có sự gia tăng các dự án có giá trị về khoa học công nghệ và tạo ra một giá trị xuất khẩu rất lớn.

** PV: Như Bộ trưởng đã nói ở trên, tốc độ giải ngân FDI của Việt Nam năm 2013 cũng đạt mức ngoạn mục. Vậy Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Vốn đăng ký FDI năm 2013 tăng mạnh, và tốc độ giải ngân được 11,5 tỷ. Đây là con số cao trong những năm vừa qua.

Việc giải ngân phục thuộc nhiều vào các yếu tố, trong đó có các nhà đầu tư. Một điển hình rõ nét nhất là Samsung ở Bắc Ninh, chỉ trong vòng 1 năm họ đã giải ngân hết số vốn đăng ký và mở rộng thêm 1 tỷ.

Ngoài ra còn có Tập đoàn Samsung ở Thái Nguyên dù mới khởi công năm 2013 và đã cam kết quý 1/2014 sẽ có sản phẩm. Đây là một điều chúng ta không tưởng, một tiến độ xây dựng nhanh, đưa vào hoạt động quy mô lớn. Bình thường những dự án 2 tỷ này phải làm trong 5 đến 10 năm mới xong nhưng với tập đoàn Sam Sung  chỉ có 1 năm.

Ở tất cả các địa phương khác như: Thanh Hóa, Hải Phòng - những địa phương dẫn đầu trong FDI trong năm 2013 đều có điểm chung, đó là rất tích cực, làm tốt trách nhiệm về đền bù giải phóng mặt bằng, tạo những cơ chế thông thoáng. Vì vậy, đã tạo ra một sức cộng hưởng, để cho các dự án có thể sớm được hoạt động. Như vậy, tốc độ giải ngân sẽ tăng lên rất nhanh và phải nói là kỷ lục.

** PV: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những con số như gần 22 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, nói lên điều gì cho nền kinh tế của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong khi các DN trong nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số DN thu hẹp sản xuất, dừng sản xuất tăng thì trụ đỡ của nền kinh tế tiếp tục tạo được tăng trưởng, có xuất khẩu lớn góp phần cân đối ngoại tệ của cả nước, tạo ra việc làm cho những người lao động, đóng góp phần quan trọng cho ngân sách thì vai trò của các doanh nghiệp FDI là rất quan trọng.

Con số 22 tỷ USD đã đóng góp rất quan trọng đối với chỉ số tăng trưởng trong đó có GDP và đóng góp tới 60% tổng giá trị xuất khẩu của chúng ta trong lĩnh vực này, giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các doanh nghiệp FDI cũng đang thúc đẩy tái cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam theo hướng hiện đại, công nghệ cao hơn.

** PV: Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng có kỳ vọng gì về các doanh nghiệp và đầu tư cả nước?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, DN là chiến sĩ ở thời bình, doanh nghiệp là lực lượng đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam cũng như các nước khác đi lên.

Doanh nghiệp là lực lượng tiên phong tạo ra những giá trị, sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước. Cho nên, không có đất nước nào mà DN khó khăn, doanh nghiệp không phát triển được mà lại có thể phát triển nhanh và bền vững. Cho nên, Việt Nam muốn phát triển nhanh hơn, tốt hơn, trong 2014 chúng ta phải thực sự quan tâm một cách đầy đủ đối với lực lượng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp khác một cách bình đẳng. Bởi vì tất cả các thành phần, kể cả nhà nước lẫn tư nhân, liên doanh hay FDI…họ đều là những thành phần kinh tế của đất nước, họ đều được luật pháp Việt Nam bảo hộ và khẳng định chính họ là nền tảng kinh tế đất nước Việt Nam. Và chúng ta phải đổi xử bình đẳng, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn lực của đất nước với cơ chế thuận lợi để họ phát triển.

Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp đã phải trải qua sóng gió của giai đoạn khó khăn do vĩ mô bất ổn, lạm phát kéo dài, vốn vay rất cao và họ đã gặp nhiều khó khăn, sức khỏe yếu thì chúng ta càng phải tìm cách hỗ trợ cho họ. Trong 2 năm (2012 và 2013), chúng ta hỗ trợ chưa nhiều, chưa đủ và nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được nguồn lực mới. Vì vậy, tới đây, chúng ta phải tiếp tục giải quyết vấn đề nợ xấu của các doanh nghiệp để họ được tiếp cận với những nguồn lực mới, với những lãi suất thấp, và được hỗ trợ trong việc tìm kiếm thị trường, sản xuất phải có thị trường, nơi tiêu thụ, muốn sản xuất được phải có hỗ vốn và có nhân lực.

Tôi nghĩ rằng, năm 2014 chúng ta phải thực chất hơn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phục hồi, tiếp tục phát triển. Nếu chúng ta làm được như vậy thì mới đạt được mục tiêu là tăng trưởng 5,8% vào năm 2014.

**PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.