Năm 2013, thành công nổi bật nhất của Việt Nam là tiến thêm một bước về ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Kết quả này đã củng cố niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả thị trường, tạo tiền đề vững chắc hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 và các năm tiếp theo. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận định: Về tổng thể, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ sáng hơn so với năm 2013, đặc biệt nếu tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế được thúc đẩy nhanh và mạnh hơn.

TS. Vũ Đình Ánh cho biết, năm 2013 Việt Nam vẫn tăng trưởng kinh tế trên 5,4% đi đôi với giảm lượng hàng tồn kho, nợ xấu và điều đáng nói là tổng tín dụng cho nền kinh tế vẫn tăng khoảng 12,5% với mặt bằng lãi suất cho vay trở về tương đương giai đoạn 2005 - 2006. Điều này chứng tỏ "sức sống" của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh còn không ít khó khăn.

“Chính vì vậy, tôi cho rằng, những doanh nghiệp còn trụ lại được sau 3 năm (2011 - 2013) vật lộn với khó khăn chính là những doanh nghiệp có khả năng sinh tồn tốt nhất, kể cả trong quản trị doanh nghiệp cũng như lựa chọn chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mình. Tôi tin những doanh nghiệp còn lại đó sẽ trở thành nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong những năm tới đây”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhận định ở tầm vĩ mô, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2014 chắc chắn Chính phủ sẽ tiếp tục chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, những năm qua nền kinh tế đã có dấu hiệu bị "trầm cảm" vì lạm phát dù đã giảm nhưng sức mua không tăng, lãi suất giảm nhưng tín dụng vẫn "tắc". Dự báo nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ phải đối mặt với những bất ổn, hạn chế từ năm 2013 và một vài năm trước đó.

Thách thức lớn nhất là số lượng doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động năm 2013 đã lên tới gần 61.000, đưa tổng số doanh nghiệp giải thể dừng hoạt động trong ba năm 2011 - 2012 - 2013 lên tới con số 160.000. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực liên quan đến nguồn cung trên thị trường, hạn chế sức sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho giải quyết công ăn việc làm, đồng thời ngăn cản việc cải thiện sức mua, giảm quy mô hàng tồn kho và ảnh hưởng tới khả năng thu ngân sách nhà nước.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, muốn thúc đẩy đầu tư tăng trưởng thì ngoài nguồn lực Nhà nước chúng ta phải trông chờ vào hai nguồn lực là doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế.

Đối với khu vực ngoài nhà nước, tiềm lực trong dân còn rất lớn và điều cần thiết là phải biết khơi dậy tiềm lực đó, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và khuyến khích hỗ trợ họ một cách thích đáng, đặc biệt là tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, hạn chế ưu đãi bất hợp lý cho các doanh nghiệp nhà nước thì chắc chắn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước sẽ mạnh dạn đầu tư và hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn, bền vững hơn.

Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề then chốt là cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, tuân thủ cam kết tạo dựng "sân chơi" bình đẳng theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đó cũng chính là những việc cần phải làm với tư cách Nhà nước giữ vai trò kiến tạo để phát triển./.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những nghiên cứu gần đây của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy giới đầu tư trong và ngoài nước có niềm tin hơn vào triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp trong nước, trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam có 60% cho biết kết quả kinh doanh của họ năm 2013 tốt hơn năm trước và có tới 80% khẳng định rằng sẽ mở rộng quy mô hơn trong năm 2014.

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia, nhiều thương hiệu lớn cũng bắt đầu mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, hãng thức ăn nhanh khổng lồ đến từ Mỹ McDonald's dự kiến sẽ khai trương nhà hàng đầu tiên tại TP HCM vào ngày 8/2./.