Sau hơn 6 tháng kể từ khi xảy ra ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên, đã có gần 4 triệu con lợn phải tiêu hủy, chiếm khoảng 15% tổng đàn lợn của cả nước.
Trong khi nhiều hộ chăn nuôi trong xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội xót xa nhìn đàn lợn phải tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi, thì nhờ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đồng thời kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học nên đến nay, đàn lợn 200 con của gia đình ông Lê Viết Thể ở thôn Địch Trung trong xã Phương Đình vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa hơn một nửa số lợn này sẽ được xuất chuồng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ giá lợn đang ở mức cao.
"Chế phẩm này đã sử dụng thử vài tháng thấy hiệu quả tốt, mặc dù trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp nhưng đàn lợn vẫn khỏe mạnh. Gia đình đang sử dụng chế phẩm men vi sinh để tăng cường sức đề kháng để phòng dịch", ông Thể chia sẻ.
Chế phẩm sinh học trong chăn nuôi có thể ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh minh họa: KT) |
Tại một số địa phương như: Hưng Yên, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, mặc dù nằm trong vùng dịch nhưng do sử dụng thức ăn có bổ sung men vi sinh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học, đàn lợn của các hộ thử nghiệm vẫn an toàn, trong khi nhiều hộ đã phải tiêu hủy lợn.
Bà Lưu Thủy Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Bio Spring - doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học cho biết, thử nghiệm trên một số mô hình liên kết với người dân cho thấy, chế phẩm vi sinh probiotic của công ty đã góp phần giảm tỉ lệ tiêu tốn thức ăn từ 5%-6%, làm giảm tỉ lệ lợn chết và tăng cường sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi được tăng lên đáng kể.
"Khi bổ sung chế phẩm vi sinh (probiotic) vào trong thức ăn cho vật nuôi, bà con có thể giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Theo kết quả thực nghiệm ở các chuồng trại, tiêu tốn thức ăn có thể giảm 5,6%, một tác dụng nữa là giảm mùi hôi chuồng trại từ 55%-60%, hạn chế ô nhiễm môi trường sống của người dân. Hơn nữa, tỷ lệ tăng trọng đàn vật nuôi có thể lên tới 3,3% so với những lô chuồng đối chứng không sử dụng chế phẩm.
Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chế phẩm sinh học gồm các vi sinh vật có lợi (probiotic), các enzyme tiêu hóa đã cải thiện sức khỏe, tăng khả năng chuyển hóa thức ăn và sinh trưởng của vật nuôi. Probiotic là các vi sinh vật sống, chủ yếu thuộc 3 nhóm: Vi khuẩn Lactic, bào tử Bacillus và nấm men Sacharomyces, được phân lập từ môi trường hoặc từ đường ruột của người và động vật, khi bổ sung cho vật nuôi sẽ có ảnh hưởng tích cực cho vật chủ.
Qua nghiên cứu mô hình thí điểm ở các địa phương, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi có thể hạn chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Thực tế chăn nuôi sinh học còn cho chất lượng thịt rất tốt, giảm chất thải ra môi trường. Trong khi chờ sản xuất được vaccine, người chăn nuôi có thể áp dụng mô hình "An toàn dịch bệnh kết hợp an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh". Tuy nhiên, việc làm này phải được thực hiện thường xuyên và áp dụng liên tục trong thời gian dài mới đem lại hiệu quả.
Khẳng định hiệu quả của chế phẩm sinh học trong chăn nuôi an toàn, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng kết quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh để đưa vào ứng dụng thực tế, đồng thời rà soát quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để ban hành hướng dẫn mới về an toàn sinh học.
"Biện pháp kỹ thuật rất quan trọng là áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học với sử dụng các chế phẩm vi sinh. Đồng thời kiểm soát nguồn dịch bệnh vào khu chăn nuôi phải làm tốt, kết hợp sử dụng các chế phẩm để tăng cường sức đề kháng của vật nuôi thì hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch tả lợn Châu Phi ngay trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp", ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Theo kế hoạch, sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp chăn nuôi an toàn ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, hỗ trợ và hướng dẫn người chăn nuôi trên cả nước sử dụng chế phẩm sinh học. Trong thời điểm hiện nay, đây là giải pháp hữu hiệu khi vaccine dịch tả lợn Châu Phi đã và đang được nghiên cứu./.
Người chăn nuôi Quảng Ninh không “treo chuồng” sau dịch tả châu Phi