Ukraine đang nợ Tập đoàn Năng lượng quốc doanh Nga Gazprom hàng tỷ USD tiền khí đốt. Tuy nhiên cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của châu Âu vào nhà cung cấp năng lượng Nga. Đây cũng là cuộc chiến khí đốt thứ 3 xảy ra giữa Nga và Ukraine trong một thập kỷ qua.

00-55af9_judp.jpg 

 Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine khiến châu Âu mất niềm tin vào nhà xuất khẩu năng lượng này (Ảnh: KT)

Hôm qua (16/6), Nga đưa ra thông báo sẽ dừng cung cấp khí đốt cho Ukraine sau khi nước này không thực hiện đúng những quy định về điều khoản thanh toán. Gazprom đang tìm cách buộc Ukraine phải thanh toán khoản nợ trị giá gần 2 tỷ USD của giai đoạn trước tháng 4/2014, cũng như đạt thỏa thuận với Ukraine về mức giá khí đốt mới.

Không giống với hành động ngừng cung cấp khí đốt của Nga năm 2006 và năm 2009, cuộc chiến lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hơn nhiều và liên quan tới yếu tố chính trị.

Các chuyên gia của Nga cho rằng, giống như cuộc chiến khí đốt trước đây, cuộc xung đột hiện nay, cộng với mối đe dọa nguồn cung tới châu Âu, có khả năng làm tổn hại tới uy tín của Nga, thúc đẩy châu Âu đa dạng hóa các nguồn năng lượng thay cho Nga trong dài hạn.

Lo ngại về mối quan hệ thương mại với những khách hàng là đồng minh của châu Âu có thể là lý do chính khiến Nga hai lần lùi hạn chót cho việc ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine và đưa ra đề xuất giảm giá khí đốt cho nước này.

Ukraine luôn tỏ ra ngần ngại trước những điều khoản trong các cuộc đàm phán vào cuối tuần trước, thái độ này khiến Gazprom phải đưa ra phương án áp dụng phương thức thanh toán trả trước. Và mặc dù hôm qua đã là hạn chót để Ukraine thanh toán nợ khí đốt, nước này vẫn chưa thanh toán bất kỳ khoản tiền nào. Giám đốc điều hành của Gazprom Alexei Miller ngay sau đó cho biết sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine. Cả hai phía cũng đều cho biết sẽ kiện bên đối tác lên tòa án quốc tế tại Stockholm về vấn đề giá khí đốt.

Các chuyên gia cho rằng, Ukraine sẽ không còn cơ hội nhận được khoản trợ giá khí đốt từ phía Nga, đồng thời mức giá khí đốt cung cấp cho Ukraine sẽ không dưới mức giá trung bình giao cho châu Âu.

Nằm ở vị trí trung gian, Liên minh châu Âu liên tục phải đề xuất những phương án nhằm giúp Nga và Ukraine giải quyết vấn đề giá khí đốt. Hiện nay, khoảng 30% khí đốt tại châu Âu được nhập khẩu từ Nga, tuy nhiên, một số quốc gia tại miền Đông và Trung Âu đang hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung của Gazprom. Khoảng một nửa lượng khí đốt tại châu Âu được trung chuyển qua đường ống tại Ukraine, do vậy châu Âu luôn lo ngại về khả năng Nga sẽ dừng cung cấp khí đốt cho Ukraine, ảnh hưởng tới nguồn cung cho khu vực này.

Nếu các cuộc tranh chấp vẫn tiếp tục diễn ra, các chuyên gia phân tích cho rằng, khả năng thay đổi thị trường năng lượng thế giới càng gia tăng. Thay vì tập trung vào thị trường châu Âu và Ukraine như trước đây, Nga đang dần phải chuyển hướng sang tiến hành các dự án năng lượng tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Về phía châu Âu, trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine và Nga leo thang, khu vực này sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế, thậm chí nhập khẩu khí đá phiến sét (chiết xuất ra dầu mỏ) từ Mỹ.

 “Các quốc gia đều đang chuyển sang xu hướng mới, tìm kiếm những cách thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Ukraine đang gấp rút tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Nga. Đến cuối cùng, có thể Nga sẽ là quốc gia mất mát nhiều nhất. Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc chiến khí đốt kéo dài và gây thiệt hại cho nhiều quốc gia”, Konovalov, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược tại Moscow nhận định./.