Mô hình cánh đồng mẫu lớn được xem là tiền đề đưa ngành sản xuất lúa gạo nước ta phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người trồng lúa bằng cách đưa nông hộ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn có sản phẩm đồng bộ, tiến tới xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, từ thực tiễn tại một số tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đang đặt ra nhiều vấn đề cần được tính toán kỹ.

“Cánh đồng mẫu lớn” chỉ khác cánh đồng thường ở biển tên

Dựng lại tấm biển ghi dòng chữ: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn” trên thửa ruộng nhà mình vừa bị gió xô đổ, ông Trần Văn Tâm, nông dân xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho biết: Đây là cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của xã, diện tích 50 ha, với gần 400 hộ tham gia. Cái “mới” của “cánh đồng mẫu lớn” là cấy một giống lúa, cùng thời vụ; việc làm đất, bơm nước có hợp tác xã lo, người dân chỉ trả tiền, còn các khâu khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì vẫn ruộng nhà ai nhà ấy làm.

canhdongmaulonthaibinh.jpg
Một mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Thái Bình 

Chúng tôi thắc mắc, “vẫn ruộng nhà ai nhà ấy làm thì sao gọi là cánh đồng mẫu lớn”? Ông Tâm thật thà: để máy cày vào ruộng cày bừa, chúng tôi phải phá bờ đi, nhưng rồi lại phải chia ra để làm, đơn giản thì cắm cọc tre đầu bờ làm dấu, kỹ hơn thì be bờ, để phân đạm, thuốc trừ sâu nhà mình không trôi sang ruộng nhà khác.

Tương tự, tại cánh đồng mẫu ở xã Trọng Quan - một mô hình được coi là niềm tự hào trong phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tình hình cũng không có gì mới hơn. Dù chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 1 km, qua 5 lần, 7 lượt nhờ người dân chỉ lối, chúng tôi vẫn không tìm được đâu là cánh đồng mẫu lớn. Giữa mênh mông đồng lúa, tất cả đều na ná như nhau.

Cuối cùng, phải nhờ đích thân Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Lại Ngọc Điến dẫn đường, chúng tôi mới tiếp cận được. Nếu như ở xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định còn có tấm biển ghi tên “cánh đồng mẫu lớn” để phân biệt với cánh đồng thường, thì tại xã Trọng Quan, hợp tác xã đã sơ ý điều này. Như một lời xin lỗi, ông Lại Ngọc Điến cười xòa: “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, ngày mai “cánh đồng mẫu lớn” sẽ được cắm biển, ghi tên”.

Theo ông Điến, cái khác giữa cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng thường chỉ là tên gọi. Trước đây gọi là Đồng Cát, thì nay gọi là “cánh đồng mẫu lớn”, chứ diện tích, số hộ và phương thức sản xuất thì hầu như không có gì thay đổi. Y như lời ông Điến, cánh đồng Cát ngày nào, cánh đồng mẫu hôm nay vẫn nham nhở bờ vùng, bờ thửa, những con mương nội đồng chỗ bồi, chỗ lấp và vô số luống rau mùi, rau muống…

“Cánh đồng mẫu đã chia cho bà con, trước có 437 hộ, nay cũng 437 hộ, không có gì thay đổi, chỉ quy hoạch khu vực này thành cánh đồng mẫu, số hộ, số thửa của từng gia đình một không có gì thay đổi. Giờ chỉ có thay đổi tên gọi. Nếu như trước đây gọi là đồng Cát thì giờ chúng tôi không gọi cánh đồng Cát nữa mà gọi là cánh đồng mẫu. Tên gọi nó khác nhau một chút thôi. Nói chung, đến giờ phút này không có gì thay đổi lớn cả, còn phải trông chờ hỗ trợ của Nhà nước”- ông Điến giải thích.

Hi vọng vào sự hỗ trợ của Nhà nước về một đột phá cho đồng ruộng Trọng Quan nhờ mô hình “cánh đồng mẫu lớn” của ông Phó Chủ nhiệm hợp tác xã chắc mãi chỉ là niềm hi vọng. Bởi, nhà nước có thể hỗ trợ về chính sách, giống, vật tư nông nghiệp… chứ làm sao có thể hỗ trợ gia tăng quỹ đất vốn quá eo hẹp cho đồng ruộng Thái Bình?

Không thể tùy tiện áp dụng

Ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Thái Bình so sánh: “Đồng bằng sông Cửu Long có những cánh đồng 70, 80 hoặc một vài trăm ha thì hoàn toàn khả thi. Nhưng Thái Bình, với 1,8 triệu dân, diện tích nhỏ hẹp bình quân đầu người khoảng 500 m2, đối với 1 cánh đồng diện tích hàng trăm ha không phải là không có nhưng mà số hộ quá đông cho nên để có thể tạo sự đồng thuận cao trong cánh đồng cũng là một trong những khó khăn”.

Sự so sánh của ông Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn là có cơ sở, bởi Thái Bình là địa phương được chọn thí điểm triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Trong khi mỗi nhân khẩu được chia trung bình từ 1,3 đến 1,5 sào bắc bộ (trên dưới 500m2) với mục đích đảm bảo đủ lương thực, chỉ khi nào dư thừa mới bán nên việc “gom” ruộng lại thành cánh đồng mẫu lớn không phải ở đâu cũng nhận được sự đồng thuận cao.

Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, đó không phải là “cánh đồng mẫu lớn” mà chỉ là “cánh đồng lớn”. Khác chăng, chỉ là việc chính quyền xã, hợp tác xã đã khoác lên những cánh đồng cũ một tấm áo mới bằng ngôn từ. Bởi, với 50 ha chia đều cho 437 hộ với hàng ngàn nhân khẩu như ở xã Trọng Quan, thì sao gọi là cánh đồng mẫu lớn, và lấy đâu ra lúa gạo để bán?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phân tích: “Bất kỳ chính sách nào, nếu anh không làm đến nơi đến chốn, không được nghiên cứu cẩn thận thì nó cũng chỉ là hình thức và đem lại thiệt hại. Tôi nghĩ, muốn làm cánh đồng mẫu lớn, phải có điều kiện, không thể áp dụng bừa bãi, làm nhân rộng. Bởi, cũng như mọi chính sách khác, đây không phải là “cây đũa thần” có thể thay thế được mọi thứ. Mỗi chính sách phải phù hợp với một điều kiện, hoàn cảnh và chính sách cánh đồng mẫu lớn cũng thế”.

Cũng theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, cánh đồng mẫu lớn là chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín từ quy hoạch, nhân giống đến bao tiêu sản phẩm. Trong đó mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) được coi là chìa khóa thành công./.