Sáng nay (18/12), Bộ Công Thương khai mạc Hội nghị Tham tán Thương mại 2013. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và có phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị.
Năm 2014 sẽ bắt đầu đổi mới mạnh mẽ
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và ghi nhận những đóng góp thiết thực của các thương vụ vào việc hoàn thành nhiệm vụ không chỉ của Bộ Công Thương mà còn góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh mà Đảng, Quốc hội đề ra năm 2013, trong một bối cảnh hết sức khó khăn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Năm 2014 sẽ là năm bắt đầu cho sự đổi mới mạnh mẽ. Nếu không có sự đổi mới mạnh mẽ về chính sách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy thì chúng ta vẫn bị khó khăn, khuyết điểm, và nó xuất hiện ở mọi ngành”.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ: Hiện có 55 thương vụ, 7 chi nhánh thương vụ và 1 trung tâm xúc tiến thương mại tại các nước, ở đều 5 châu lục, với tổng số 122 nhân sự về thương mại và công nghiệp ở nước ngoài. Nếu so số nhân sự này với con số gần 133 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, sẽ rất nhỏ. Nhưng nếu so với biên chế hơn 600 công chức của Bộ Công Thương, và nếu tính theo chi phí cho cán bộ thương vụ công tác tại nước ngoài, con số này rất lớn. Công tác thương vụ cũng rất khó khăn.
Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ thương vụ, Tham tán thương mại phải là những nhà tư vấn chính sách cho Chính phủ, trước hết là cho Bộ Công Thương. Các cán bộ thương vụ, đại sứ trong tư thế không chỉ là nhà kinh tế mà còn là nhà ngoại giao, chính trị, khoa học... Cho nên, mỗi người đều mang sứ mệnh truyền thông điệp về đất nước, con người Việt Nam. “Nếu thực sự lăn lộn với công việc, ngoài nhiệm vụ của mình, mỗi người đều phải tìm cách truyền được thông điệp cho mỗi người Việt Nam để cùng nỗ lực vượt khó, đưa đất nước tiến lên”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, “mỗi cán bộ ngành công thương, các thương vụ thẳng thắn nhìn nhận xem trong số 133 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó có bao nhiêu phần trăm thực ra có được mà cán bộ không phải làm gì? Đơn cử, Samsung, Itel đã xuất khẩu không ít, nhưng đâu cần lắm đến công tác xúc tiến của chúng ta”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị, “cần nhìn nhận xem có bao nhiêu thứ lẽ ra chúng ta (không chỉ riêng thương vụ mà là Việt Nam nói chung) có thể làm tốt nhưng đã không làm được. Ví dụ, cá da trơn gần như chỉ có Việt Nam làm, nhưng lại để gặp khó. Lúa gạo cũng đang phải vật lộn với quy hoạch đầu mối xuất khẩu...
Trong khó khăn này, theo Phó Thủ tướng, có khó khăn do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa trong nước và ngoài nước. Thương vụ ở nước ngoài sẽ không làm được gì nếu không có sự phối hợp chặt chẽ từ trong nước. Cầu nối này phải là nối từ “hai bờ”. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, chúng ta tự hại mình, tự hại sản phẩm của mình. Các cán bộ thương vụ không chỉ đơn thuần là người đại diện của các cơ quan thương mại, doanh nghiệp ở nước ngoài mà còn là những người mang hình ảnh và sự quyết tâm của Việt Nam đưa đất nước ta tiến lên”.
Cán cân thương mại năm 2013 về cơ bản là cân bằng
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong triển khai nhiệm vụ năm 2014, ngành Công thương sẽ nghiêm túc nhìn nhận đánh giá, phân tích để đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại thời gian qua để phát huy tốt hơn kết quả đạt được, cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ năm 2014 của ngành nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận và làm rõ các biện pháp để có thể thúc đẩy hơn nữa công tác thị trường nước ngoài, coi đây là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế trong nước |
Nhìn lại năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: trong bối tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, ngành Công Thương, trong đó có các Tham tán Thương mại, đã có rất nhiều nỗ lực và thu được những kết quả đáng khích lệ.
Một số kết quả nổi bật của ngành năm 2013 như: Chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến cả năm tăng 5,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 4,8% so với năm 2011). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 60,2% năm 2010 lên khoảng 78% năm 2013...
Xuất nhập khẩu của nước ta thời gian qua đã có bước phát triển đáng kể, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%).
Mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số địa bàn bị thu hẹp..., song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao, vượt mục tiêu đề ra, như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.... Điều này đã phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng, cơ cấu hàng xuất khẩu từng bước đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Hoạt động điều hành nhập khẩu đã đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, hạn chế các tác động tiêu cực của biến động giá cả thế giới tới sản xuất trong nước, đồng thời tập trung kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, góp phần từng bước giảm nhập siêu với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012, nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%), có nghĩa là cán cân thương mại năm 2013 về cơ bản là cân bằng.../.