Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng để tăng trưởng và phát triển bền vững, do đó cần có thể chế, các gói sản phẩm và phương pháp tiếp cận riêng dành cho nhóm doanh nghiệp này. Đây là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hướng tới tăng trưởng toàn diện”.

Hội thảo được thực hiện trực tiếp tại 6 điểm cầu gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh và Washington DC (Mỹ). Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng trưởng toàn diện của quốc gia.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của nhóm các doanh nghiệp này còn rất hạn chế, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Các cuộc khảo sát doanh nghiệp và môi trường đầu tư do WB thực hiện cho thấy, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn về vốn cho phát triển. Sau 2 - 3 năm khởi nghiệp, chỉ còn khoảng 1/3 doanh nghiệp hoạt động.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Trung Quốc, ông Liu Xiaoqiang, Quản lý dự án cấp cao, Trung tâm Tài chính và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Trung Quốc có 50 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, 6 đóng góp 60% GDP. 5 năm gần đây cơ cấu cho vay của các ngân hàng Trung Quốc hướng nhiều hơn đến doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và dành cho nông nghiệp, nông thôn.

Còn tại Việt Nam, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ vẫn khó khăn. Theo khảo sát của WB, 2/3 tài sản của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ không phải là bất động sản, nên khó thuyết phục ngân hàng cho vay. Trong khi đó các tài sản vô hình khác như quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế…vẫn chưa được chú trọng.

Ông Jose de Luna Martinez, Chuyên gia kinh tế tài chính cao cấp WB nhận định, ở Việt Nam, nhiều ngân hàng vẫn phụ thuộc vào bất động sản làm tài sản thế chấp, điều đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ.

“Cần có cơ chế mới về thế chấp tài sản để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có thể tiếp cận vốn dễ hơn. Một trong những lĩnh vực mà cần có tiến bộ hơn ở các ngân hàng của Việt Nam là sử dụng các hình thức, các loại tài sản mới làm thế chấp cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ”, ông Jose de Luna Martinez nói.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vấn đề cung cấp tài chính cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cần phải được giải quyết bằng nỗ lực chung của Chính phủ và các thiết chế tài chính, nhằm mở rộng cách tiếp cận nguồn vốn, đổi mới mô hình tài chính thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nhóm doanh nghiệp này./.