Mặc dù mùa nước nổi năm nay, mực nước không cao như mọi năm, các cánh đồng tại một số huyện đầu của tỉnh An Giang tiếp giáp biên giới Campuchia, mực nước chỉ từ 60 đến 80 cm, nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn lợi dụng đặc điểm này, dùng đủ mọi phương thức vận chuyển hàng lậu: dùng ghe công suất lớn, cho hàng hóa vào túi nilon thả nổi… Đặc biệt hiện nay, một số đối tượng buôn lậu còn dùng phương tiện hiện đại như flycam để theo dõi lực lượng chống buôn lậu trên biên giới, càng làm khó khăn hơn cho lực lượng phòng, chống buôn lậu.
Mới đây, trong lúc tuần tra, kiểm soát biên giới tại khu vực khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, lực lượng chống buôn lậu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã phát hiện 3 đối tượng dùng túi nilon để vận chuyển hàng theo đường cống Tư Mèo hướng từ biên giới Campuchia về Việt Nam, với số lượng 27 bao, khoảng 1,3 tấn đường cát lậu. Hình thức vận chuyển là cho các bao đường cát vào túi ninlon, sau đó thả xuống sông rồi kéo về phía Việt Nam. Khi phát hiện, lực lượng chức năng, các đối tượng này sẵn sàng bỏ lại hàng hóa và dễ dàng chạy về bên kia biên giới.
Thượng úy Nguyễn Phước Tới, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc Tế Tịnh Biên, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, mặc dù tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua cơ bản đã được kiềm chế, tuy nhiên, do lợi nhuận lớn, nên các đối tượng luôn tìm cách vận chuyển hàng lậu vào nội địa với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, đặc biệt, lợi dụng thời điểm mùa nước nổi, có khu vực ngập sau từ 60 đến 80cm, các đối tượng sử dụng bao nilon bọc kín hàng rồi thả nổi trên mặt nước; chở hàng bằng phương tiện thủy với công suất lớn…
“Ngoài việc các đối tượng dùng ghe, vỏ lãi với công suất lớn để vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam, thì hiện tại có phương thức mới là chúng cho hàng vào túi nilon, sau đó giả danh là người bắt cá cua trên đồng để kéo hàng lậu về biên giới. Mục đích của chúng là tránh né sự kiểm tra kiểm soát của Bộ đội Biên phòng; chúng hoạt động cả ngày lẫn đêm, có điều kiện thích hợp là chúng hoạt động, căn lúc trời mưa to hoặc lúc cán bộ chiến sỹ đang ăn cơm để chúng hoạt động, nên rất kho khăn trong công tác kiểm soát”, Thượng úy Nguyễn Phước Tới cho biết thêm.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, sau thời gian giãn cách xã hội về phòng chống dịch, việc vận chuyển hàng lậu qua biên giới, nhất là thuốc lá có chiều hướng tăng trở lại. Nguyên nhân do khan hiếm hàng ngoại, giá cả một số mặt hàng có sự chênh lệch cao giữa trong nước và ngoài nước, lợi nhuận đem lại lớn, nhu cầu sử dụng của người dân đối với thuốc lá còn khá cao.
Bên trong nội địa còn tồn tại nhiều nơi bán thuốc lá lậu lén lút là những nguyên nhân chủ yếu làm cho tình trạng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến phức tạp. Nổi lên một số địa bàn như: xã Vĩnh Xương, thị xã Vĩnh Châu; xã Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên... Đặc biệt là địa bàn phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc có thời điểm lợi dụng đêm tối đối tượng buôn lậu đi thành từng đoàn từ 80-100 người ngang nhiên đai vác hàng lậu và có hành vi ngăn cản, dùng dao hăm dọa lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu.
Đại úy Bùi Văn Liệt, Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn cho biết, từ đầu năm đến nay, Đồn đã phối hợp với các lực lượng bắt giữ hàng chục đối tượng nhật cảnh trái phép; bắt gần 100 vụ buôn lậu, với tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng. Hiện nay đang là mùa nước, nên việc kiểm soát người qua lại biên giới và ngăn chặn buôn lậu gặp rất nhiều khó khăn.
“Về mùa khô, có nhiều đường mòn, nhiều kênh rạch thông qua biên giới và lên đến biên giới. Còn về mùa nước nổi thì xuồng máy có thể cháy bất cứ điểm nào trên biên giới, rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu, cho nên công tác ngăn chặn gặp rất nhiều khó khắn. Tình hình thực tế như vậy thì cán bộ, chiến sỹ càng phải quyết tâm, chốt chặn trên biên giới 16 tổ công tác trực tiếp 24/24, tăng cường tuần tra, kiểm soát thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng chống xuất nhập cảnh, phòng chống Covid-19, vừa phòng chống buôn lậu”, Đại úy Bùi Văn Liệt nói.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, trong thời gian qua, do ảnh hưởng từ công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đối tượng buôn lậu luôn tìm mọi thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt lực lượng chức năng để vận chuyển mặt hàng này qua biên giới vào nội địa, thách thức pháp luật.
Để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng các đối tượng chuyển hàng lậu không chứa hàng lậu trong nhà hoặc kho mà để ở các khoảng đất trống. Họ thường xuyên thay đổi địa điểm, cắt cử người canh giữ, rồi chờ người đến nhận. Nếu phát hiện lực lượng chống buôn lậu, bọn chúng bỏ lại hàng hóa, phương tiện để thoát thân. Phương tiện dùng chở hàng lậu đều không có giấy tờ, biển số giả hoặc đã bôi đen biển số. Những người tham gia hoặc liên quan đến việc vận chuyển hàng cấm phần lớn là người địa phương. Vì vậy, họ rất thông thạo địa bàn và tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Các đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu không trực tiếp thực hiện mà thuê người dân biên giới làm thay.
Ngoài thủ đoạn mới là cho hàng hóa vào túi nilon rồi kéo dưới nước để tuồn sang Việt Nam; gần đây, còn xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, là sử dụng phương tiện hiện đại như flycam (thiết bị bay không người lái) để theo dõi lực lượng chống buôn lậu trên biên giới.
Nêu rõ nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu trong thời gian tới, Đại tá Trần Quốc Khánh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng An Giang nhấn mạnh: “Trước tình hình này, chúng tôi tăng cường lực lượng các lực lượng trên biên giới, siết chặt các đường mòn lối mở, kênh rạch, những nơi mà các đối tượng buôn lậu thường xuyên qua lại. Làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, không để kẻ xấu móc nối, mua chuộc cán bộ, chiến sỹ. Đồng thời, xem công tác phòng, chống buôn lậu là một công tác song song với việc phòng chống dịch hiện nay; phối hợp các lực lượng chức năng ở trên biên giới, thực hiện tốt các quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và buôn lậu”.
Tính từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện vi phạm hơn 1.700 vụ, tăng 30% so cùng kỳ; mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với tổng trị giá hàng hóa bị bắt giữ 44,6 tỷ đồng. Lực lượng chức năng khởi khởi tố 37 vụ/42 đối tượng, tăng 16 vụ/20 đối tượng so với cùng kỳ. Trong đó, thuốc lá nhập lậu hơn 820.000 gói, tăng 10,7% so cùng kỳ; đường cát nhập lậu bắt giữ khoảng 240 tấn.
Để hạn chế tình vận chuyển hàng lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, về lâu về dài cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn hơn, với những chính sách phát triển thương mại mậu dịch khu vực biên giới; kết hợp phòng chống buôn lậu, gắn với giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập để người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu./.