Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tại Hội nghị “Sơ kết công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại 6 tháng đầu năm 2020” hôm nay (7/7), trong tháng 5 và 6 năm nay, ở vùng biển ngoài khơi, hoạt động buôn lậu xăng dầu, sang mạn xăng dầu trái phép giữa các tàu có quốc tịch nước ngoài với tàu cá Việt Nam vẫn diễn ra mặc dù dịch Covid-19 vẫn phức tạp trên thế giới.
Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam |
Để qua mặt lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, các tàu này thường sang vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước để dễ dàng chạy về vùng biển nước ngoài tránh bị bắt giữ. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp và kinh nghiệm trong đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại trên biển, thời gian qua lực lượng cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã bắt giữ thành công nhiều vụ lớn. Đây là nội dung phóng viên Đài TNVN trao đổi cùng Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
PV:Thưa Thiếu tướng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên biển 6 tháng đầu năm 2020 có diễn biến như thế nào?
Thiếu tướng Trần Văn Nam: Trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh Covid -19 có ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế của đất nước cũng như các hoạt động ở trên biển. Tình hình an ninh trật tự, an toàn, buôn lậu gian lận thương mại cũng bị ảnh hưởng.
Các tổ chức cá nhân sản xuất và kinh doanh, vận tải biển bị ảnh hưởng rất đáng kể. Do đó, mọi hoạt động sẽ bị đình trệ và tỷ lệ thuận với tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm ở trên biển sẽ giảm đi. Tuy nhiên, sau khi chúng ta cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, tình hình kinh tế và vận tải biển đã tốt lên thì CSB đã tăng cường công tác trinh sát nắm tình hình, đã phát hiện một số vụ buôn lậu, gian lận thương mại lớn, đặc biệt là về xăng dầu ở vùng biển Tây Nam có yếu tố nước ngoài.
Liên tục trong tháng 5 và 6 vừa qua, Bộ tư lệnh CSB đã chỉ đạo các đơn vị phía Nam sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tuần tra kiểm soát và đã phát hiện, bắt giữ được hai vụ lớn có yếu tố nước ngoài (02 tàu mang quốc tịch Mông Cổ) vận chuyển tới 1.700 m3 dầu DO và 1.000 m3 dầu DO. Có những vụ buôn lậu đường cát có xuất xứ từ nước ngoài về Việt Nam tới hơn 200 tấn.
Đó là những vụ việc diễn ra trên biển sau dịch bệnh Covid-19. BTL CSB đã chỉ đạo các đơn vị làm rất là tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian vừa qua.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ tàu đang có hành vi mua bán, vận chuyển 25.000 lít dầu DO trái phép trên vùng biển Tây Nam. |
PV:Xin ông cho biết những giải pháp mà Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã triển khai để đạt được những kết quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại?
Thiếu tướng Trần Văn Nam: Sau đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm trước, trong và sau Têt Nguyên đán Canh Tý năm 2020, thì các cơ quan đơn vị CSB vẫn đồng loạt tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, kể cả công tác trinh sát kỹ thuật để nắm bắt các tình hình vùng biển từ sớm và từ xa để phát hiện các dấu hiệu của tội phạm.
Sau đó, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đặc biệt là ở các vùng biển trọng điểm nơi có nguy cơ xảy ra nhiều các vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm buôn lậu xăng dầu ở trên biển. Nhờ sự quyết liệt và tinh thần chiến đấu cao, Bộ tư lệnh CSB đã chỉ đạo các biên đội tàu hoạt động ở trên biển thực hiện rất tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm và duy trì an ninh, trật tự và an toàn.
Do đó, tất cả các vụ vi phạm chúng tôi phát hiện đều bắt giữ và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao trong đấu tranh phòng chống tội phạm đặc biệt là buôn lậu, gian lận thương mại sau dịch Covid-19.
PV:Những khó khăn mà cán bộ chiến sĩ gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chông buôn lâu, gian lận thương mại trên biển là gì thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Trần Văn Nam: Bên cạnh những khó khăn khách quan đã gặp phải như điều kiện về thời tiết, về khí hậu, sóng gió…đặc biệt là ban ngày tầm quan sát trên biển rất dễ (giữa cả lực lượng chức năng và các đối tượng) vì không bị cản trở bởi vật cản nào cả. Do đó các đối tượng đã phát hiện các tàu công vụ của Cảnh sát biển từ xa để tẩu thoát hoặc chạy trốn.
Về ban đêm, khi bị tàu Cảnh sát biển truy đuổi thì các phương tiện vi phạm cố tình chạy sang vùng biển nước ngoài, không chấp hành các mệnh lệnh dừng tàu của cơ quan chức năng. Dó đó chúng tôi phải truy đuổi mất thời gian dài và mất nhiều thời gian để tập trung vây bắt.
Có những tàu chúng tôi đã phải truy đuổi đến 04 tiếng và đã phải sử dụng đến vũ khí để bắn đạn vạch đường để răn đe thì chúng mới chịu dừng lại. Riêng với các tàu xăng, dầu mà sử dụng vũ khí đặc biệt là khi bắn thì rất dễ gây ra cháy nổ và thương vong. Do vậy, việc bảo đảm an toàn trong quá trình bắt giữ về con người, phương tiện, tang vật phải đặt lên hàng đầu.
Chúng tôi đã quyết tâm đuổi bắt bằng được dựa trên lợi thế về phương tiện của Cảnh sát biển đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Hiện nay Cảnh sát biển được trang bị tàu có tốc độ cao, sức chịu sóng gió tốt… nên hoàn toàn có thể trấn áp được các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại mặc dù tội phạm cố tình chạy trốn, cố tình không chấp hành.
Ngoài ra, trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại (nhất là vụ việc có yếu tố nước ngoài) thường phức tạp, liên quan đến nhiều nước và lĩnh vực thương mại quốc tế, giá trị tang vật lớn cũng là những khó khăn nhất định đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ nên quá trình điều tra kéo dài, mất nhiều thời gian.
PV:Xin cảm ơn!
1. Ngày 12/01/2020, tại khu vực đảo Hòn Mắt/Nghệ An, BTL Vùng CSB 2 đã kiểm tra và bắt giữ tàu DYNAMIC OCEAN 15 /22 thuyền viên do ông Nguyễn An Hải làm thuyền trưởng vận chuyển khoảng 10.582.997 lít xăng A92 đang sang mạn cho 05 tàu Minh Thủy 69 (SG-8406)/9 thuyền viên 200 m3 xăng; Tân Xuân 99 (NA-2458)/9 thuyền viên 40 m3 xăng; Thịnh An 18 (NĐ-3628)/5 thuyền viên; Hải Long 03 (HT-1012)/7 thuyền viên 25 m3 xăng; Đông Đô 12 (HP-5572)/9 thuyền viên 100 m3 xăng). Tư lệnh CSB đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 364 triệu đồng, tịch thu 1,8 triệu lít xăng và bán phát mại hàng hóa hơn 26 tỷ đồng xung công quỹ Nhà nước.
2. Ngày 19/5/2020, tại khu vực cách NĐN Côn Đảo 96 hải lý, BTL Vùng CSB3 đã kiểm tra và bắt giữ tàu SIAM VARICH (quốc tịch Mông Cổ)/11 thuyền viên do ông Phirom Sukpheng (Sn 1963, quốc tịch Thái Lan) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 1.678.122 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tư lệnh CSB đã ra Quyết định xử phạt VPHC 197 triệu đồng và bán phát mại hàng hóa 12 tỷ đồng.