Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương, sáng nay (18/11), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng làm rõ hơn một số thông tin liên quan tình hình quản lý thị trường.
Về giá sữa, trả lời đại biểu Lê Đình Khanh, Bộ trường Đinh Tiến Dũng cho hay: Thực hiện Nghị quyết 29 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có quyết định về điều hành giá sữa, trong đó công bố giá tối đa của 25 mặt hàng sữa. “Đây là việc làm rất khó, báo cáo với Quốc hội, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bí thư các tỉnh, chủ tịch UBND các tỉnh phối hợp làm việc này” – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, đến nay, chúng ta đã công bố giá tối đa 182 mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá sữa so với thời điểm trước khi quản lý có những mặt hàng đã giảm đến 34%.
“Đây là việc làm chúng tôi thấy rất hiệu quả và qua đây chúng tôi thấy, kể cả quản lý giá, chống buôn lậu gian lận thương mại, không thể thực hiện được tốt nếu như thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, địa phương cũng như chưa vào cuộc thực sự của các cấp ủy chính quyền địa phương” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ trương điều hành theo giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số mặt hàng quan trọng như điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, nước sạch, dịch vụ khám chữa bệnh, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Về giá xăng dầu, Bộ trưởng nhắc lại, trước ngày 1/11/2014, thực hiện theo Nghị định 84, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu.
Trong 10 tháng vừa qua, điều hành tăng giảm 25 lần giá xăng dầu theo tín hiệu của thị trường.
Từ 1/11/2014, việc điều hành theo Nghị định 83 của Chính phủ, theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp điều hành giá xăng dầu.
“Trong tháng 11, chúng tôi đã phối hợp với nhau tương đối nhuần nhuyễn. Thời gian vừa qua giảm giá hai lần dưới 15 ngày là tuân theo tín hiệu thị trường, do giá xăng dầu thế giới giảm nhanh”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Qua việc chống thất thu thuế, Bộ trưởng cho rằng, việc phối hợp với chính quyền cấp ủy địa phương, quản lý giá, việc chống buôn lậu gian lận thương mại, việc huy động vào cuộc một cách đồng bộ mới đảm bảo được kết quả tốt hơn./.