Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vừa được ký kết tại thủ đô Vientiane, Lào. Việc ký kết Hiệp định mới đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức với cả hai bên trong quá trình hội nhập ASEAN. Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Lào phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng về triển vọng quan hệ thương mại giữa hai nước.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết vì sao Việt Nam và Lào phải ký kết Hiệp định thương mại mới?Và những điểm nổi bật thể hiện tính đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam- Lào trong Hiệp định lần này ?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 1998, Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp định thương mại. Qua 17 năm, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực có nhiều thay đổi, xu hướng toàn cầu hóa thương mại là xu hướng chủ đạo và bối cảnh kinh tế Việt Nam và Lào cũng vậy, vấn đề hội nhập đã và đang là vấn đề mà Đảng và nhà nước Việt Nam và Lào đều rất quan tâm.
Do đó, những nội dung trong Hiệp định năm 1998 không còn phù hợp và hai bên đã bàn bạc đi đến thống nhất ký kết Hiệp định mới, cơ bản tuân thủ theo Hiệp định thương mại mà các nước ASEAN đã ký kết. Nội dung quan trọng đó là hai nước cam kết dành ưu đãi lớn về thuế, số lượng, chủng loại, hàng hóa được hưởng ưu đãi về thuế với khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu hưởng thuế suất ưu đãi. Đây chính là điểm thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Ngoài ra, còn điểm đặc biệt là hai bên thỏa thuận sớm ký kết Hiệp định thương mại biên giới với nội dung ưu đãi cho nhau về quyền, khuôn khổ pháp lý mà hai bên đã thỏa thuận và không ảnh hưởng đến nước thứ ba.
PV: Thưa Bộ trưởng, Hiệp định thương mại mới giữa Việt Nam và Lào mới được ký kết sẽ tạo thuận lợi gì cho trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam- Lào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hai bên dành cho nhau ưu đãi lớn về số lượng, chủng loại hàng hóa, hưởng thuế suất ưu đãi tối đa, thủ tục thuận lợi hóa thương mại, cần làm thế nào hàng hóa của Lào có thể xuất khẩu sang Việt Nam trong thời gian nhanh nhất, ngắn nhất, thuận lợi nhất và ngược lại.
Trong Hiệp định cũng nêu rõ, song song với vấn đề phát triển thương mại, hai bên còn khuyến khích doanh nghiệp hai nước nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ để nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và gia tăng sản phẩm hàng hóa. Hai bên sẽ có lợi thế tăng số lượng hàng hóa sản xuất ra và đáp ứng nhu cầu của hai nước và có thể xuất khẩu sang nước thứ ba.
PV: Hiệp định thương mại mới được ký kết có ảnh hưởng gì tới mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Lào trong bối cảnh Cộng đồng thương mại ASEAN sắp hình thành thưa ông?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ngày 31/12 năm nay, cộng đồng ASEAN sẽ chính thức được thành lập, trong đó có cộng đồng kinh tế ASEAN. Sau năm 2015, hy vọng rằng, ASEAN sẽ là một thị trường thông suốt về xuất khẩu hàng hóa, trao đổi khoa học công nghệ, sự dịch chuyển của lao động có tay nghề. Vì vậy, bên cạnh lợi thế thị trường rộng mở, thách thức đối với doanh nghiệp hai nước là không nhỏ. Vậy nên, cả Lào và Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như hợp tác giúp nhau cùng phát triển. Nếu kinh tế thương mại của Việt Nam phát triển thì Lào cũng có lợi hơn và ngược lại.
Việc ký kết Hiệp định mới nhằm mục đích nâng cao khả năng thương mại của hai nước, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của hai nước. Qua đó quá trình hội nhập sẽ nhanh hơn, đáp ứng mục tiêu mà hai bên mong muốn cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển về kinh tế với các nước thành viên cũ trong khối ASEAN đồng thời phục vụ cho mục tiêu chung mà các nhà lãnh đạo ASEAN đặt ra khi hình thành cộng đồng kinh tế chung. Đó là mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế vững mạnh, xứng đáng với vai trò là trung tâm của khu vực và có vị thế ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!