Phát biểu tại phiên thảo luận về Luật đầu tư sửa đổi ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Bộ KH-ĐTsẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý phù hợp làm sao cho luật này sau khi sửa đổi thực sự tạo ra được động lực cho cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp, tạo nên cú hích mới cho nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng, Luật đầu tư (sửa đổi) lần này được các đại biểu Quốc hội cũng như giới doanh nhân, kể cả doanh nhân nước ngoài đánh giá rất cao. Đó là chúng ta thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật. Phương pháp tiếp cận của chúng ta từ trước đến nay là phương pháp tiếp cận chọn - cho. Nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật, trong khi chúng ta không thể ghi đủ hết tất cả những thứ cần cho. Bởi vì xã hội cần quá nhiều ngành nghề, thậm chí có nhiều ngành nghề phát sinh mới. “Cho nên mỗi một lần danh mục không có trong luật, các nghị định thông tư quy định thì doanh nghiệp và người dân lại phải đi xin, xin các cơ quan quản lý nhà nước. Xin mà không có trong luật, người thích thì cho người không thích thì không cho... làm cho rất tốn kém, khó khăn và không minh bạch” – Bộ trưởng nhận xét.
Phương thức tiếp cận mới, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đó là chọn - bỏ. Đây là phương pháp tiếp cận cực kỳ tiên tiến và minh bạch nhưng vô cùng khó làm. Chọn - bỏ là những gì cấm thì ghi vào trong luật, anh không ghi, anh thiếu có nghĩa là tôi được quyền làm. Đây là một thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ và của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban thường vụ Quốc hội rất ủng hộ việc này. Cho nên chúng tôi là cơ quan soạn thảo đã phối hợp cùng với Ủy ban Kinh tế, cơ quan thẩm tra, đã làm việc hết sức tích cực.
Trong Luật đầu tư, chúng ta thể hiện được sự bảo hộ đầu tư đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, minh bạch và phù hợp với các thông lệ của quốc tế. Đặc biệt, chúng ta cũng đã cập nhật tất cả những quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư, cam kết, bồi thường thỏa đáng khi lấy tài sản của họ, trong trường hợp đặc biệt quốc hữu hóa, tư nhân hóa đều phải bồi thường một cách sòng phẳng.
Việc bỏ quy định chỉ áp dụng không hồi tố đối với các doanh nghiệp có dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư trước đây vì không phù hợp với luật mới chúng ta cho tất cả doanh nghiệp trong nước bỏ toàn bộ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, chúng ta bỏ hồi tố để cho tất cả mọi doanh nghiệp, không phân biệt là anh có giấy chứng nhận đầu tư hay anh không có giấy chứng nhận đầu tư, đều được đảm bảo quyền lợi khi chính sách thay đổi.
“Chính sách thay đổi, chúng ta đều áp dụng theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp. Nếu chính sách thay đổi theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp được giữ nguyên các ưu đãi của khi cấp chứng nhận trước đây. Nếu như chính sách thay đổi theo hướng lợi hơn thì doanh nghiệp được hưởng theo cái lợi đó, cái lợi bao giờ cũng phải đứng về phía doanh nghiệp” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng, đối với nhà đầu tư nước ngoài phải chặt chẽ hơn, không thể cào bằng được. Khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã được thành lập doanh nghiệp trong nước thì anh được hưởng các công bằng, không phân biệt, đối xử. Khi mới vào thì anh phải chịu kiểm soát, không có nước nào không kiểm soát. Chúng ta càng cần kiểm soát hơn trong điều kiện hiện nay. Chỉ có điều kiểm soát này là chính đáng, kiểm soát này là minh bạch, rút ngắn thời gian.
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự vui mừng vì các đại biểu Quốc hội là các doanh nhân hoặc là người quản lý các doanh nghiệp đánh giá rất cao luật này. “Chúng tôi hy vọng một điều rất quan trọng đó là "con người". Làm thế nào để con người thực thi luật pháp này tốt chúng ta mới minh bạch, còn nếu không con người vẫn lợi dụng cái này thì chúng ta không chắc đã làm tốt chuyện này” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói./.