Sáng nay (7/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 10 với phần cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đây là dự án Luật mới nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thời gian qua, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Đi vào chi tiết, nhiều đại biểu cho rằng: Luật quy định phạm vi vốn kinh doanh của nhà nước trong 4 lĩnh vực là điều kiện tốt để sắp xếp lại doanh nghiệp, khắc phục tình trạng sử dụng vốn, tài sản để đầu tư không đúng mục tiêu, đầu tư dàn trải.

Tuy nhiên, Luật cần cụ thể hơn và bổ sung thêm những điều khoản về việc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn trả ngân sách, hoàn trả xã hội như thế nào. Như vậy, chúng ta mới tránh được tình trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì ở mức có lãi mà thực ra là lãi không đáng kể so với vốn điều lệ.

Tại phiên họp, đại biểu băn khoăn: hiện nay, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang được Chính phủ gánh nợ thay phần vốn huy động, vậy Luật có điều chỉnh phần vốn này hay chỉ quy định về vốn điều lệ.

Đại biểu cũng đề nghị Luật cần phải tiếp cận vấn đề ở góc độ: Quốc hội có vai trò gì trong quản lý hơn 1.300 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước ở các doanh nghiệp hiện nay, hay vẫn chỉ là giám sát chung chung.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói: “Thực tế quản lý vốn trong doanh nghiệp nhà nước những rủi ro, tồn tại, thiếu hiệu quả thường thường là doanh nghiệp nhà nước và khâu quản lý vẫn là yếu nhất. Cho nên, nội dung của luật này chúng ta phải thể hiện một cách rõ ràng, đẩy đủ, chi tiết, trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng quản lý vốn trong các doanh nghiệp này thời gian qua”./.