Cuối phiên thảo luận chiều nay (1/11), theo đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có phần phát biểu làm rõ hơn một số vấn đề.

Đi sâu vào phân tích một số vấn đề, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, chất lượng nền kinh tế của chúng ta đang có vấn đề. Động lực để chúng ta tăng trưởng cao hơn nữa cũng có vấn đề. Thực tế này đốc thúc chúng ta phải đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi thể chế.

"Chúng tôi đánh giá chi tiết những nguy cơ của Việt Nam và những dấu hiệu tụt hậu kinh tế Việt Nam, trong đó, những chỉ số nói lên rằng, chúng ta tăng trưởng như vậy nhưng thống kê trong những năm qua cho thấy chúng ta đang giảm dần tốc độ tăng trưởng chất lượng, hiệu quả, chi phí, năng lượng cho một đơn vị tăng trưởng cũng như năng suất lao động. Các yếu tố này dù có tăng nhưng chậm đi. Chi tiêu của nhân tố trung gian hay năng suất nhân tố tổng hợp cũng giảm. Cân đối vĩ mô như chỉ tiêu tiết kiệm so với GDP thì cũng đang giảm đi. Có những chỉ số rất sâu sắc, chất lượng kinh tế theo phân tích đang giảm dần, báo hiệu rằng chúng ta cần thay đổi mô hình, nếu không đổi mới thì tăng trưởng sẽ không cao".

Còn ý kiến cho rằng, chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng, “Tôi chưa đồng tình với ý kiến này. Vì tiềm năng tính bằng cái gì? Căn cứ nào để tính tiềm năng tăng trưởng là bao nhiêu, 7%? Không phải. Việt Nam sẽ tăng trưởng 8-9% và quốc tế đang đề nghị Việt Nam phải tăng trưởng từ 8-9,5% thì 40 năm sau chúng ta mới bằng Hàn Quốc bây giờ” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Cho nên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tiềm năng hay không chính ở con người, còn tài nguyên không phải quyết định. Những đất nước không có tiềm năng về tài nguyên nhưng họ có tiềm năng con người, họ là những nước phát triển mạnh mẽ nhất. Cho nên, giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư cũng khẳng định: “Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu, những việc làm được mới chỉ là ban đầu. Trong 3 lĩnh vực này, đầu tư công, DNNN, ngân hàng, cần tiếp tục làm nhiều hơn”.

Bộ trưởng cũng giải thích rằng, ba nội dung này chỉ là chủ chốt còn trong Đề án Chính phủ phê duyệt, đã nói rõ mục tiêu của tái cấu trúc đầu tư công, định hướng của nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Các lĩnh vực đều có định hướng và nguyên tắc phấn đấu. Mục tiêu cuối cùng là nền kinh tế chất lượng cao hơn, tính cạnh tranh hơn, bền vững hơn. Các ngành, lĩnh vực đều phải viết đề án của mình.

Đồng tình với ý kiến nhiều đại biểu trước đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: “Không đổi mới cán bộ không đổi mới được nền kinh tế. Các chuyên gia quốc tế nói rằng, nếu ông đổi mới DNNN mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những DN đó, lãnh đạo DN đó thì hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu. Phải có người khác đến đổi mới” – Bộ trưởng nói.

Cho nên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đổi mới cán bộ cũng là một yếu tố phải tác động mới làm được. “Không đơn giản, không tự mình đổi mới mình được. Khó lắm” – Bộ trưởng nói. 

Cũng trong thảo luận, có đánh giá là địa phương làm chậm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn: “Tôi không đồng tình với ý kiến này. Đừng trách các đồng chí địa phương. Địa phương phải phụ thuộc vào tư tưởng đổi mới của Chính phủ và của ngành, lĩnh vực, vì đây là thể chế. Còn họ không làm được thể chế”.

Bộ trưởng lấy ví dụ với ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đưa ra các đề án để các địa phương làm. Còn địa phương sẽ tổng hợp lại để thực hiện và họ cũng phải xây dựng cho mình là có lợi thế gì, làm gì tăng lợi thế đó lên.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị, cần có sự chỉ đạo tập trung hơn để chúng ta tiếp tục làm. Không phải mục tiêu đặt ra đến 2015 mà phải làm xuyên suốt 5 năm tiếp theo. Làm sao mà năm sau tiếp tục một quá trình để Việt Nam cất cánh lên được. Nhưng từng nhiệm kỳ đặt mục tiêu cụ thể để phấn đấu.

“Chúng ta phải đổi mới thể chế, pháp luật chứ không thể dùng lời khuyên, mong muốn để thay đổi” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh./.