Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) tập trung vào chủ đề năng suất lao động thấp và nhấn mạnh đây là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng nền kinh tế. Đại biểu Nguyễn Phi Thường phân tích, về yếu tố lao động, Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, đồng nghĩa với việc đang chuyển dần sang già hóa dân số, tương ứng là quy mô lao động không thể tăng thêm như giai đoạn 2005-2010. Vì vậy đại biểu cho rằng, vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác.

db_thuong_jpg_tr_gybd.jpg
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Ảnh: Hà Nội mới)
Việc Việt Nam đang bước chân vào cánh cửa hội nhập sâu hơn với khu vực và quốc tế là thách thức to lớn với nền kinh tế, DN Việt Nam, thực tế đó theo đại biểu Nguyễn Phi Thường là rất đáng lo ngại khi  đến 50% lao động chưa qua đào tạo, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á-TBD. So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 2/5 đối với Thái Lan.

Đặt câu hỏi Việt Nam sẽ đặt ra chiến lược gì khi cuối 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép lao động có tay nghề cao của các quốc gia ASEAN có quyền di chuyển tự do, yếu tố giá rẻ của lao động Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên sân nhà, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng cần nhìn nhận vấn đề tái cơ cấu nguồn nhân lực một cách nghiêm túc, bởi đây chính là chìa khóa cho phát triển bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng cho rằng nguyên nhân đầu tiên của tình trạng năng suất lao động thấp chính là chất lượng lao động. Đại biểu Nguyễn Phi Thường chỉ ra rằng lao động Việt Nam còn khá nhiều điểm hạn chế, đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Trong khi đó, hệ thống giáo dục đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng; sự chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường cùng những bất cập của hệ thống đào tạo hàng năm khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, thế nên mới có tình trạng thủ khoa đi làm thợ mộc; kỹ sư làm xe ôm; cử nhân làm giúp việc; việc tổ chức lao động chưa khoa học, còn nhiều quản trị theo thói quen, tùy tiện; năng lực cạnh tranh chưa được chú trọng đúng mức; cạnh tranh chủ yếu bằng giá khiến nhiều DN chỉ cần giảm giá để cạnh tranh thay vì tăng chất lượng; bộ máy hành chính cồng kềnh.

Một nguyên nhân khác khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn thấp là do công nghệ lạc hậu. Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng công nghệ của các ngành xuất khẩu của Việt Nam không thay đổi sau 10 năm; tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ 12-13%.... Rồi cách thức điều hành phản ánh sự tụt hậu khá xa về năng lực cạnh tranh công nghệ. Bên cạnh đó, hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư đạt thấp, chủ yếu do đầu tư dàn trải thiếu trọng điểm, thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường kiến nghị 3 giải pháp để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam: Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo, nhanh chóng đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo để đầu ra là đội ngũ lao động có trình độ, đạo đức, văn hóa văn minh.

Lấy dẫn chứng của Nhật Bản, đại biểu Thường cho rằng đây là mô hình đáng học hỏi, học sinh của họ được dạy rằng đất nước nhiều thiên tai, không có tài nguyên thiên nhiên chỉ có tài nguyên duy nhất là con người do đó chỉ có con đường học hỏi, bản lĩnh vượt khó khăn để đưa đất nước phát triển. Nhờ vào nguồn nhân lực, Nhật Bản có sự vươn lên phát triển diệu kỳ.

Thứ hai, thực hiện cơ cấu chuyển dịch các ngành kinh tế phi nông nghiệp, xây dựng kỹ năng cho người lao động; Chính phủ giữ vai trò lập khung chính sách kết nối chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, dạy nghề, người lao động; tăng cường thông tin giúp người lao động lựa chọn ngành nghề và được đào tạo kỹ năng phù hợp hơn với công việc hiện đại;

Thứ ba, tăng cường đầu tư thực chất cho khoa học. Công nghệ máy móc nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình, bởi vậy việc nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ là đầu tư cho phát triển. “Nâng cao năng suất lao động có thể đạt được nếu tái cơ cấu doanh nghiệp, ở cấp độ vĩ mô, năng suất lao động sẽ được nâng lên, thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế”, đại biểu Thường nhấn mạnh./.